Trong 2 ngày 6-7 /11, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng bán hàng qua mạng”.  Lớp tập huấn thu hút 100 học viên là đại diện các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang.

Các học viên đã được nghe TS. Trần Đức Trí – Khoa kinh tế, Học viên Nông nghiệp chia sẻ và hướng dẫn các nội dung: Tổng quan về Thương mại điện tử (TMĐT); Cơ hội, thách thức và các rủi ro khi thực hiện giao dịch trên sàn TMĐT.

Đặc biệt giảng viên cũng đã có những phép so sánh giữa bán hàng theo cách truyền thống và bán hàng TMĐT (bán hàng online), từ đó đưa ra những lợi thế của bán hàng online; ngành nông nghiệp và chế biến thực phầm khi ứng dụng thương mại điện tử; Giới thiệu một số hình thức bán hàng TMĐT phổ biến tại Việt Nam;

Giảng viên cũng cung cấp cho các học viên về các quy định khi kinh doanh thương mại điện tử; kỹ năng nghiên cứu thị trường và xây dựng chiến lượng Maketing sản phẩm nông sản trên Internet; Một số kỹ năng nhằm thu hút khách hàng, xây dựng thương hiệu trên Internet; Khởi tạo và vận hành gian hàng chuẩn SEO trên sàn thương mại điện tử; Xây dựng và vận hành kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội.

W-nong-san-tham-gia-hoi-cho-1.jpeg
Hàng nông sản tiếp cận thị trường không chỉ qua các hội chợ mà còn được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Qua 2 ngày tập huấn, các học viên đã được nghe, thảo luận và thực hành trực tiếp các tạo gian hàng trên một số sàn thương mại điện tử… Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số nói chung và về vai trò, lợi ích của mua bán trực tuyến trên Sàn thương mại điện tử nói riêng.

Thông qua lớp tập huấn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động bán hàng trực tuyến, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong hợp tác xã và người dân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua đó giúp  đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử.

Thông tin từ Alibaba.com Việt Nam, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com. Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng.

Điều này cho thấy thông qua thương mại điện tử các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực nông sản có cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.