Hồ Ngọc Hà lại có thêm một đại gia bênh vực. Thêm một lần tức giận được dâng lên và cũng thêm một lần, có kẻ khóc người cười, từ câu chuyện tình ái của cô.
Sự “tênh hênh” không vô ý
Lại một lần nữa cái tên Hồ Ngọc Hà làm cho cộng đồng dậy sóng. Lại một lần nữa có một người đàn ông đại gia “chỉ lên tiếng một lần duy nhất”, bênh vực một cái tên.
(Không biết trong tương lai, lại có thêm đại gia nào tiếp tục “lên tiếng một lần duy nhất” trong một bài phỏng vấn “copy bênh vực” một cái tên thế nữa hay không!?)
Vâng, một cái tên lôi đủ hỉ nộ ái ố về cho showbiz Việt suốt 15 năm qua. Một cái tên làm cho showbiz Việt khoảng thời gian ấy không ngừng ồn ào và làm cho cuộc đời có bao bài học được rút ra.
Chu Đăng Khoa, đại gia tiếp theo "lên tiếng một lần duy nhất" để bảo vệ Hồ Ngọc Hà. |
Nhưng lần “lên tiếng duy nhất” này, Hà đã mang về một lần tỷ lệ không nhỏ những người ghét cô. Một điều rất dễ nhận thấy, những người ghét cô lại chính là những người có cùng phận đàn bà.
Cụ thể hơn chút nữa, đa số họ lại là những người đã làm vợ, làm mẹ. Dù họ là những người vợ bị ruồng bỏ, người mẹ nuôi con trong cay đắng, hay là những người vợ, người mẹ hạnh phúc chăng nữa, thì những lời lẽ dành cho cô lúc này, chỉ toàn là những trách oán.
Họ không lên tiếng chỉ trích một cô gái xuân thì nào đó như một bóng hồng tuyệt đẹp làm thao thức trái tim của những người đàn ông dù họ đang có vợ. Họ đang chỉ trích một người vợ, một người mẹ, kè kè với một người đàn ông đang có vợ.
Vậy, “người vợ”, “người mẹ” ấy, cụ thể đã làm nên chuyện “tày đình” gì để các bà vợ, các bà mẹ phải sục sôi tức giận như thế?
Nói như anh Khoa, người thứ 2 “lên tiếng một lần duy nhất”, với thông điệp cũng giống anh Cường - người thứ nhất cũng từng “lên tiếng một lần duy nhất”, là “có những điều chỉ có người trong cuộc mới hiểu”.
Nhưng cũng chẳng biết người “trong cuộc” còn nhiều bí mật nữa hay không, mà người “ngoài cuộc” thì thấy sờ sờ trước mắt bao cảnh mà có lẽ, nếu người “trong cuộc” không bật đèn xanh thì người “ngoài cuộc” cũng chẳng thể nào biết được.
Giống như mấy cô gái ăn mặc hớ hênh khi đi chùa, lại quay ngược lại trách người chụp ảnh, mà không tự thấy rằng, nếu mình không tênh hênh ra những ngực những đùi nơi chốn linh thiêng, thì có ai dư hơi ngứa mắt đưa ống kính ra để hướng về phía các cô hay không?
Những cái “tênh hênh” của các cô, có khi còn do vô ý. Nhưng giữa lúc “các mẹ” đang sục sôi tố cướp chồng, cô vợ thì không ngừng than thở, mà trên facebook của “người vợ”, “người mẹ” ấy úp mở những tấm hình khá nhạy cảm, nắm tay nắm chân đi Thái Lan…
Hay trước đó, những cảnh dắt tay, bế thốc bế tháo lên xe nữa.
Thì những việc này, đâu phải là sự “tênh hênh” vô ý? Điều này, chắc chắn là “chỉ có người trong cuộc mới hiểu”, đúng là thế mà!
Hình ảnh thân mật của Hồ Ngọc Hà và Chu Đăng Khoa "gây bão" với dư luận. |
Thắng một người, thua cả triệu người
Hà thôi chồng. Khoa ly thân vợ. Tạm hiểu là hai người “tự do” và “tạm tự do”, tìm đến vui chơi với nhau như những người cùng cảnh, những “ngưu tầm ngưu”, họ chẳng có lỗi gì. Họ cũng chẳng có gì vi phạm pháp luật.
Họ lắm tiền nhiều của họ du hí với nhau, thậm chí, giả sử họ có thuê phóng viên “quen thuộc” viết nên cái bài phỏng vấn “thành thánh” với ngôn ngữ quen thuộc như bài phỏng vấn “lên tiếng một lần duy nhất” năm xưa đi nữa, cũng chẳng có gì vi phạm pháp luật.
Nhưng khổ nỗi, sự ghét ở đời nó đến từ cái thái độ của kẻ bị ghét là phần nhiều. Những thái độ làm “sôi máu” kẻ khác thường lại là: hoặc không cầu thị, hoặc cố tình chọc tức trêu ngươi, hoặc đắc thắng cười lên đau khổ của người khác.
Những “cao thủ” thường lại làm cho người khác sôi gan lên với mình để đạt được mục đích. Khi sôi gan, người ta vớ được cái gì, người ta sẽ ném vào kẻ đó cho bõ tức.
Thế rồi, chịu đau một tí nhưng lại được cái tiếng “nạn nhân”, vừa giành phần thắng lại vừa được xuýt xoa tội nghiệp, chở che và bảo vệ. Những kịch bản đời thường được diễn đi diễn lại như thế.
Người đẹp thì lúc nào mà chẳng sử dụng đến cái vũ khí ngọc ngà – nước mắt? Thế đó, vừa được thương, vừa được chở che, lại vừa biến đối phương của mình thành ác quỷ, bị ruồng bỏ cũng đáng, chẳng phải chiến thắng đôi đường?
Nhưng sự thật, sự trừng phạt lớn nhất đối với người đàn bà, chính là khiến thế giới này không còn tin vào nước mắt của bạn, cho dù nước mắt ấy sử dụng chỉ dể chiến thắng trái tim người bạn cần chiến thắng.
Nước mắt của một người vợ sẽ không còn được tin tưởng nữa, nếu như người vợ ấy làm cho người phụ nữ của bao đàn ông khác phải đau khổ.
Nước mắt của một người mẹ sẽ không còn được tin tưởng, nếu người mẹ ấy khiến cho bố của những đứa con của người khác bỏ con, hoặc trở thành một ông bố tồi.
Trong một trường hợp khác, nước mắt của một người vợ, một người mẹ sẽ không còn được tin tưởng, nếu người vợ, người mẹ ấy sử dụng luôn cả chồng con mình ra làm một thứ công cụ để biện minh cho những hành động, phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.
Cái này, cho phép tôi nhắc lại “hơn một lần duy nhất”: Chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Hà là người của công chúng, nên công chúng có quyền yêu hay ghét Hà theo suy nghĩ của họ. Chuyện riêng, đúng hơn là cách ứng xử với chuyện riêng, trong một phạm vi nào đó cũng thể hiện văn hóa, thậm chí là bản chất tốt hay xấu của một nghệ sĩ.
Nếu bài phỏng vấn kia, Khoa đúng là người trả lời thật, thì Hà đã chiến thắng Khoa, để nhận được sự bênh vực của một người mà Hà cần chiến thắng.
Nhưng với tất cả mọi người, thì không!
Theo Trí thức trẻ