- Trăn trở khi đứng trước cơn bão Bolero, nhạc sỹ gạo cội Hàn Châu đã có những chia sẻ thẳng thắn cùng báo VietNamNet về quan điểm của mình. Theo ông, phần nhiều ca sỹ trẻ hiện nay hát Bolero nhưng thực chất chỉ đang lợi dụng dòng nhạc này như một thứ công cụ kiếm tiền chứ chưa hẳn vì niềm yêu thích thực sự.

Bolero đâu phải dòng nhạc dễ dãi

- Là người nổi tiếng kín kẽ nhưng vì sao ông lại chọn xuất hiện làm giám khảo gameshow truyền hình Solo cùng Bolero?

Giới nhạc sỹ khác với ca sỹ ở chỗ không xuất hiện nhiều. Chúng tôi sáng tác một bài hát trước hết là để thỏa mãn bản thân, sau đó là đến khán giả. Phần cũng bởi môi trường hoạt động của chúng tôi chỉ ưa sự bình lặng, nhẹ nhàng, có vậy mới đủ tâm trí sáng tác.

Còn chuyện ồn ào này nọ, tôi cũng không cần bận tâm gì nhiều đâu. Mình già rồi, người ta mời mình đến nhận xét, góp ý thì mình đến thôi. Nhiều thí sinh đi thi có người còn đáng tuổi cháu mình, hay thì khen, dở thì chê để nó biết mà sửa. Nên tôi cũng không cần thiết phải so đo thiệt hơn.

{keywords}
Nhạc sỹ Hàn Châu lần đầu tham gia chấm thi gameshow.


- Thời gian qua, không ít người vẫn nói về ranh giới giữa sáng tạo - thụt lùi trong âm nhạc. Trong đó, việc hưng thịnh của dòng nhạc Bolero ở thời điểm hiện tại được cho là nguyên nhân của mọi cuộc tranh cãi. Quan niệm của riêng ông về việc này?

Tôi thấy câu chuyện này không đáng để đẩy đi xa như hiện nay. Trước hết, Bolero đâu phải dòng nhạc dễ dãi đâu? Nó khó viết, khó hát và đương nhiên điều này là có lý do. Như tôi trước đó có phát biểu, một khuông nhạc có đủ các nốt nhưng không có nốt nào được gọi là sến cả.

Tôi không nói đến vấn đề vùng miền nhưng dường như một số anh chị vẫn còn giữ thái độ cực đoan khi làm nghề. Họ luôn xem Bolero như kẻ tội đồ khiến âm nhạc thụt lùi. Nhưng theo tôi, mỗi một dòng nhạc luôn có giá trị của nó, thích hay không là ở bản thân người thưởng thức.

Trong một vòng quay luôn có sự tuần hoàn. Họ phát biểu thụt lùi, nhưng cần hiểu như thế nào mới là thụt lùi? Cái gì đứng lại mới là thụt lùi. Bản thân của âm nhạc là sự sáng tạo, mà đã là sáng tạo thì sẽ không ngừng cho ra đời những cái mới, cái tiến bộ. Bolero vẫn đang tiếp tục đi trên con đường của nó. Tôi khẳng định ai chê bolero thụt lùi, chính bản thân người ấy mới thụt lùi.

Họ đang phá nát Bolero từng ngày

- Thế nhưng trong giới ca sỹ không ít người truyền tai nhau rằng muốn đắt show, dễ kiếm tiền, dễ lên truyền hình và hiển nhiên dễ nổi tiếng thì cứ hát bolero. Ông nhìn nhận sự việc này ra sao?

Những người trẻ mà ào ạt nhảy qua Bolero, tôi khẳng định tuyệt đối họ không phải làm nghệ thuật. Nói trắng ra họ đang mượn danh nghệ sỹ để buôn bán âm nhạc. Dưới cái nhìn của tôi, những người đó hát rất tệ, hoặc có giọng nhưng không định hình được hướng đi nghệ thuật cho mình nên mới xem Bolero như một cứu cánh. Có chăng họ kiếm được tiền hay lên truyền hình, nhưng cũng chỉ là nhất thời thôi.

Thú thật, nhiều người trẻ hát Bolero tôi không mừng đâu. Nếu hát mà gọi là tâm huyết, có lực và tử tế để đi được đường dài thì không nói. Hát mà như thể giật tung tóe trên sân khấu, cố gắng gồng mình làm mới rồi tự bao biện như vậy mới là hợp thời. Thực tế chính họ đang phá nát Bolero từng ngày.

{keywords}
Lệ Quyên là nữ ca sĩ thành công hàng đầu ở thể loại Bolero hiện nay.

- Một nhạc sỹ nổi tiếng thuộc dòng nhạc Bolero trước đây từng đặt câu hỏi tại sao người chấm thi ở các cuộc thi không phải nhạc sỹ - Những người hơn ai hết hiểu rõ dòng nhạc này mà lại là những người không liên quan như hoa hậu, diễn viên,… Ông vừa ngồi ghế nóng với tư cách là người đại diện cho giới sáng tác chấm thi, ông nói gì về điều này?

Người ta phát biểu như vậy cũng có cái đúng. Chấm thi hát thì phải biết nốt nhạc, phải biết hát như thế nào để còn biết mà nhận xét, góp ý. Cứ lên sân khấu khen lấy khen để, chấm điểm thì điểm chín, điểm mười là không ổn rồi.

Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh thì cũng nên hiểu cho ban tổ chức. Họ mở cuộc thi tuyển lựa tài năng thì dù thế nào cũng đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Thời đại bây giờ không chỉ nghe mà còn phải nhìn. Họ cần mời những người đẹp, ăn mặc sành điệu, ăn nói hay để còn hút rating nữa.

Tôi chỉ khuyên các bạn đồng nghiệp trước khi nhận lời chấm thi cũng cần cân nhắc xem mình có phù hợp với vị trí đó hay không. Lên truyền hình trước hàng triệu người, lại còn mang danh chấm thi người khác thì vinh dự thật đấy, nhưng quan trọng là sau đó người ta có thích, có phục mình không lại là chuyện khác.

-  Vậy còn việc kết hợp Bolero với các bộ môn khác, thậm chí là cả những thể loại sôi động như trong các cuộc thi hiện nay liệu có thực sự phù hợp, thưa ông?

Như tôi đã phát biểu, việc phát triển Bolero là điều cần thiết. Nhưng trên hết tất cả đều phải có sự chừng mực. Sở dĩ Bolero được phổ biến như hiện nay là vì dù trải qua bao nhiêu thăng trầm nó vẫn giữ nguyên được giá trị tinh thần của nó. Có nhiều chương trình hiểu sai về Bolero ngay từ ban đầu nên khi lên sóng họ không lường trước được những hệ lụy nó mang lại. Chương trình mang tên Bolero mà mang cả nhạc nhẹ, nhạc trữ tình, nhạc Trịnh,… Vào thì còn gì là Bolero nữa?

Với tôi, Bolero là Bolero, không có chuyện trộn lẫn loại này, loại kia như nồi lẩu thập cẩm được. Đừng đánh đồng Slow cũng là Bolero, Boston cũng là Bolero. Lúc trước thì có Bolero Mambo, tức chỉ dừng ở mức độ nhanh hơn một chút, nhưng vẫn đảm bảo đúng tinh thần Bolero.

Bên cạnh đó, việc kết hợp Bolero với kịch, diễn xuất hay các các lĩnh vực khác theo tôi cũng là một ý tưởng hay. Một món ăn hoài cũng sẽ ngán, thay đổi sẽ phù hợp cho thị hiếu khán giả. Nhưng tôi thấy đã dính chữ Bolero vào đó rồi thì dẫu sao chúng ta cũng cần tìm hiểu và hát cho thật tốt trước. Phần nhiều các thí sinh ở các cuộc thi hiện nay chỉ tập trung "diễn" là nhiều thôi chứ về giọng hát thì vẫn chưa mấy nổi bật.

- Như những gì ông đã quan sát và nhìn nhận, ca sỹ trẻ hát Bolero hiện nay nhiều vô kể, ông có thể cho một vài cái tên theo ông là hát đúng điệu Bolero nhất hiện nay?

Câu trả lời là không có ai. Nhận định này tôi đưa ra dựa vào quá trình tôi ngồi chấm thi vừa qua, và kể cả những gì tôi quan sát được trong thị trường hiện nay. Các anh, chị ngày nay hơn các ca sỹ thế hệ trước ở chỗ được ưu đãi nhiều về điều kiện nhưng vẫn còn lệ thuộc và ì ạch quá. Thật ra, Bolero dễ hát nhưng để hát cho ra chất và hát thế nào để truyền tải hết tâm tình của người nhạc sỹ, đó mới là điều quan trọng.

- Vậy theo ông, khi thưởng thức và trình bày một nhạc phẩm Bolero, ta cần chú trọng những gì?

Tôi từng biết một trường hợp của một cô thí sinh có giọng đẹp, ngoại hình sáng sân khấu đi thi hát Bolero. Nhiều người xung quanh dự đoán cô này sẽ tiến rất sâu vì hội tụ đủ cả thanh và sắc. Trong khi tôi lại đoán cô ấy rớt ngay từ vòng đầu. Và kết quả như những gì tôi dự đoán. Nguyên nhân là bởi cô này hát vô hồn quá. Với các dòng nhạc khác tôi không biết thế nào, với Bolero, khi đã bước lên sân khấu thì phải sống chết, đam mê đến tận cùng với nó. Giọng đẹp, ngoại hình đẹp chỉ là phụ trợ thêm, còn lại đều phải tự nỗ lực.

Các em muốn theo đuổi dòng nhạc này trước hết cần phải lắng nghe ở những người đi trước, biết đặt mình là nhân vật trong bài hát và tạo được sự tương tác với tác giả qua ca khúc. Bolero không phải dòng nhạc để trưng trổ kỹ thuật, nhưng những đoạn luyến, nhả chữ và cảm nhạc thì đều là những thứ bắt buộc phải làm cho thật hoàn hảo.

Danh hiệu "Ông hoàng", "Bà chúa" là những thứ không đáng để nhắc đến

{keywords}
Cũng theo NS Hàn Châu, những tung hô khi làm nghề chỉ là phù phiếm. Có những người thậm chí không viết nổi một bài hoàn chỉnh nhưng vẫn ngạo nghễ với danh xưng.

- Trong giới sáng tác, không ít người phân định đẳng cấp khi đưa ra danh hiệu "Ông hoàng nhạc Sến", " Vua nhạc sến", "Vua nhạc trữ tình" và gán ghép cho một số nhạc sỹ, nhạc sỹ Hàn Châu dù vẫn giữ sự bền bỉ khi sáng tác theo thời gian nhưng tên tuổi ông ít khi được nhắc đến, ông có thấy chạnh lòng?

Tôi làm nghề từ trước đến nay chưa bao giờ đam mê danh hiệu. Những nghệ sỹ làm nghề mà bu vào danh hiệu thì không bao giờ có được sự thăng hoa trong nghệ thuật. Với Hàn Châu, danh hiệu "Ông hoàng", "Bà chúa" chỉ là những thứ không đáng để nhắc đến.

Tôi không nêu đích danh ai vì như vậy sẽ gây mất lòng anh em đồng nghiệp. Nhưng tôi biết có nhiều người được tôn xưng là thế này, thế kia mà thực tế ra có biết sáng tác gì đâu? Họ đa số đều mua lại các sáng tác của những người vô danh, tự thêm thắt một vài chỗ cho ra phong cách của mình rồi cứ vậy mà ghi tên họ là tác giả. Truyền thông có lỗi rất lớn trong chuyện này vì đã không đánh giá đúng năng lực nghệ sỹ.

- Nhiều ca sỹ phất lên nhờ Bolero với thu nhập ngất ngưỡng từ các bài hát, show diễn. Còn ở vị trí một nhạc sỹ, Bolero hưng thịnh có khiến cuộc sống ông trở nên thoải mái hơn?

Vấn đề này cũng hơi nhạy cảm ( cười). Mỗi người có cách xài tiền khác nhau. Tôi sống hiện tại chủ yếu nhờ vào tiền lương hưu và tiền tác quyền. Con cái chúng cũng lớn và ra riêng, tôi sống cùng vợ nên mọi thứ cũng tương đối ổn.

Hiện tại tôi còn sức khỏe nên vẫn còn tiếp tục công việc sáng tác. Nếu bài nào thấy hay, tôi gửi cho các đài truyền hình để các thí sinh có cơ hội được hát những bài mới, thay vì quanh đi quẩn lại những ca khúc cũ.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tuấn Chiêu