Hò khoan Lệ Thủy (hò khoan Quảng Bình) - một làn điệu dân ca đã ăn sâu vào máu thịt của bao nhiêu thế hệ người dân Quảng Bình vừa được công nhận là di sản quốc gia.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định công nhận 12 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trong đó có Hò khoan Lệ Thuỷ. Đến thời điểm này, Hò khoan Lệ Thủy là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được đề nghị đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Làn điệu dân ca Lệ Thủy là làn điệu tâm tình có sức sống mạnh mẽ cuốn hút lòng người, gồm có chín làn điệu (chín mái): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi).

{keywords}

Trước đây, người ta hò mái chè, mái nện lúc cất nhà, quết vôi nện cươi (nện sấn) và nện móng xây dựng đền chùa với ngụ ý cầu mong cho cuộc sống vững chãi, bốn bề gia thất yên ổn, quê hương gia đình ấm no. Mái nhì hò lúc cày ruộng, xay lúa, làm đồng, nhằm an ủi mình trước cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mong ước cuộc sống no ấm, sung túc. 

Hò mái ba lúc chèo đò, chèo nốc đưa đám để cầu mong cho đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc, con đàn cháu đống. Hò khơi khi đánh cá và hò lĩa trâu khi làm nương, làm rẫy, khi kéo gỗ. Vào những dịp lễ hội, thường là vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) hai bên nam thanh, nữ tú thôn quê mộc mạc đêm đêm hát đối đáp thi giữa các làng, có khi là cùng một làng nhằm kết tình hữu hảo, có khi là tìm bạn tình. Hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, dung dị, mà cũng rất gần gũi, trìu mến, lối đối đáp tưởng chừng thô sơ nhưng chứa nhiều hàm ẩn, ý nghĩa và cũng rất nghệ thuật trong cả lời lẫn nhạc.

Qua hành trình hàng trăm năm phát triển, từ những làn điệu cơ bản, các nghệ nhân dân gian tiếp tục sáng tạo thêm các lối hò như: Giao duyên, nhân nghĩa, điển tích, ghễnh ghẹo, bồn ba… Điệu hò rất phong phú, mỗi xã ở Lệ Thủy có cách hò và sự luyến láy khác nhau. Cũng như nhiều loại hình diễn xướng khác, hò khoan dần được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, hoặc thi trong lúc nông nhàn. Một điều độc đáo nữa ở hò khoan Lệ Thủy, là chỉ trong trường hợp biểu diễn hay thi mới dùng đến các loại nhạc cụ như nhị, sáo, trống, còn thông thường, nhạc đệm là công cụ lao động như chày giã gạo, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà, hay tiếng vỗ tay lấy đà bắt nhịp, tạo ra âm thanh mộc mạc, gần gũi, thân quen.

Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thuỷ biểu diễn tại Hà Nội trong tuần lễ văn hoá Quảng Bình trong lòng Hà Nội

Nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Tuân cho hay, vui hò hát đã đành, đằng này khi buồn hay lúc lao động mệt nhọc, người dân cũng hò. Điều đó làm nên cái da diết, cháy bỏng, day dứt và cả sức sống của những điệu hò khoan. Trong hàng nghìn câu hò cổ mà các nhà nghiên cứu sưu tầm được, có thể thấy nội dung đề cập rất phong phú, nói về nhân tình, thế thái, sự đời, cho đến tình cảm, giao duyên, thậm chí là một chút trách cứ, than phiền. Nhưng bao trùm vẫn là tình yêu đất nước, quê hương, tình yêu lứa đôi sâu nặng, nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, trung, nhân, nghĩa.

Lời ca chứa đựng sự răn dạy, ý nghĩa nhân văn, tình cảm, lối hát dung dị, thân thương, hò khoan Lệ Thủy đã trở thành nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân nơi đây. 

T.Lê