Một số địa phương đã có chính sách trải thảm đỏ mời gọi, đãi ngộ người tài, người có bằng cấp về làm việc. Tuy nhiên, chưa có tổng kết xem đã có bao nhiêu người đến rồi đi, ở lại bao nhiêu, có thực đạt yêu cầu đề ra không?
Tôi có một người bạn là tiến sĩ tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật châu Á (AIT), đã làm giáo sư nhiều năm ở một trường đại học Thái Lan, đào tạo nhiều tiến sĩ chuyên ngành. Trường đại học Thái Lan anh giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Thái.
Vài năm trước, anh hồ hởi trở về nước khi đọc thấy chính sách ưu đãi chuyên gia, lại thấy tỉnh nhà mở trường đại học, anh bèn ứng thí.
Sau khi tiếp anh, người ta biết rõ trường đại học, lĩnh vực của anh, nhưng rất băn khoăn vì anh không có thư giới thiệu của ai cả. Người ta đòi hỏi anh phải có chứng chỉ tiếng Anh. Anh nói anh đã dùng tiếng Anh ba chục năm nay, không còn nhớ mình phải có cái chứng chỉ gì, nếu cần thì anh có thể thi bất kỳ chứng chỉ nào, ngoài ra anh còn có 6 ngoại ngữ nữa có thể đọc, nói, viết sách và dạy ngoại ngữ đó, nếu cần anh sẽ bổ sung chứng chỉ.
Nhưng cái khó là anh không có lời giới thiệu của một quan chức cấp chính phủ. Nếu có sự “gửi gắm” đó thì có thể chứng chỉ tiếng Anh hoãn cũng được.
Anh nói với tôi, anh có học trò, bạn bè nhiều người làm ở chính phủ, ở các tổ chức quốc tế, nhưng vấn đề là, anh có tự trọng để không hành xử đến mức nhờ họ phải giới thiệu cho mình đến lãnh đạo tỉnh. Dù anh biết, có thể chỉ cần một tiếng nói từ trên thôi, nhà trường tất nhiên sắp xếp mọi thứ cho anh.
Anh là người sẵn sàng cống hiến những gì mình có sau hàng chục năm giảng dạy ở nước ngoài, chứ không phải là người thất nghiệp xin việc.
Oái oăm thay, khi trở về, anh đã xin thôi chân giáo sư ở nước ngoài, và trở thành thất nghiệp thực sự.
May thay, trường cũ ở Thái Lan thấy tình cảnh của anh, lại sẵn sàng nhận anh trở lại. Anh làm thêm 6 năm nữa, gần đây mới chuyển sang giảng dạy luân phiên ở Malaysia và trở về ở trong nước. Bây giờ thì anh không muốn cống hiến ở đâu nữa, anh mở lớp dạy tiếng Anh, dạy toán tại nhà.
Bằng cấp không bằng... bằng lòng. Ảnh minh họa |
Vừa qua, tôi đi qua địa phương trên đây, đó cũng là quê hương của tôi và anh bạn tôi. Vui chuyện nói lại chuyện năm xưa, một người có chức sắc hiểu chuyện nói: Cũng khó cho tổ chức ở trường đó vì khi mới lập trường, họ nhận được nhiều trường hợp là “con, cháu” được gửi gắm.
Nếu họ “giải quyết” người này thì mất lòng người kia, nên họ cần biết là ai đúng là chuyên gia thứ thiệt, cần soi đến hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ cả, tức là họ cần có “cái ô” để nhà trường đứng ra bảo vệ vì nếu không làm như vậy thì ông cấp cao đè được ông cấp thấp.
Những người không được nhận sẽ phản đối vì họ có cần biết trường nào thứ hạng cao trên thế giới đâu, họ không cần so đo thực tài, chỉ chăm chăm tìm kẽ hở để khiếu nại. Vì thế, những người làm tổ chức ở trường đó cần bằng cấp, cần lời giới thiệu từ “trên” để họ che chắn cho mình, nếu không mất ghế như chơi. Đúng là bằng cấp không bằng bằng lòng.
Như vậy, vấn đề đã hé mở. Đó là các trường đại học thực chất không tự chủ được cơ cấu bộ máy của mình, không tự quyết nhận người tài.
Trường hợp bạn tôi làm giáo sư ở trường đại học nước ngoài, nhưng không có quan hệ giảng dạy trong nước, không được phong phó giáo sư trong nước thì các trường trong nước không dám nhận.
Trớ trêu thay, học trò của anh về nước, làm phó giáo sư, khi so sánh hồ sơ, thì hơn hẳn thầy, thầy chỉ là giáo sư ở nước ngoài, chứ trong nước là “chân trắng”.
Trên đây chỉ là câu chuyện về chuyển dịch công việc của một chân giảng dạy đại học, còn biết bao nhiêu chuyện khác về tuyển dụng, sử dụng nhân lực trái khoáy ở nước ta? Nếu không có các chính sách chi tiết, nếu không thay đổi tận gốc việc này thì lời kêu gọi phụng sự tổ quốc đối với những người Việt Nam ở nước ngoài chỉ dừng lại ở mong muốn. Mà có hàng ngàn người Việt Nam tài năng sống trên thế giới và họ không nổi tiếng như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn…
Họ không nổi tiếng, nhưng công việc của họ, thành tựu của họ đang vượt xa chuẩn tương ứng trong nước, họ cũng có nguyện vọng được góp sức xây dựng Tổ quốc, nhưng con đường về khúc khuỷu thì khó có ai vượt qua.
Nếu chúng ta không định chuẩn lại thang bậc giá trị giáo sư ở Việt Nam, thì việc thực học, thực dạy chưa đâu vào đâu cả.
Chủ trương gọi người tài ở nước ngoài, hay các thủ khoa trong nước về trở thành chuyên viên cấp bộ, hay làm quản lý ở các cơ quan địa phương là rất đáng hoan nghênh, nhưng rõ ràng khi đi vào cụ thể từng trường hợp thì rất nhiều chuyện.
Xuân Hưng
Giáo sư Mỹ công nhận ư, chưa đủ ‘tiêu chuẩn Việt’ cũng tạm biệt?
Thu hút nhân tài không thể dừng ở sự kêu gọi, mà đòi hỏi phải có hành động cụ thể theo hướng tích cực, trao cơ hội thăng tiến, giúp họ thực hiện thành công ý tưởng.
Bỗng dưng đỗ, bỗng dưng trượt, ‘bỗng dưng’ thành… Giáo sư
Có thể tạm hình dung ra bức tranh lớn hơn của ngành giáo dục xét ở góc độ chất lượng đào tạo, tuyển dụng và đạo đức của các nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục.
Kêu gọi người tài trở về: Bắt đầu từ lòng yêu nước
Điều quan trọng nhất trước tiên chính là cần phải khơi dậy nơi các trí thức trẻ tài năng lòng yêu đất nước, không muốn Việt Nam bị thế giới xem thường.
Việt Nam có cần thạc sĩ, tiến sĩ chống tham nhũng?
Có thật khu vực công muốn chống tham nhũng là được, chẳng cần đến nghiên cứu, chẳng cần đến thạc sĩ, tiến sĩ?
Thêm gần vạn tiến sĩ, giáo dục Việt Nam sẽ tiến lên?
Để đề án lần này không đi vào “vết xe đổ” của những đề án trước, Bộ GD&ĐT nên cải tiến cách làm và cầu thị lắng nghe đóng góp từ các bên.