-Theo Đề xuất của Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội đối với "Quy hoạch phát triển Công nghệ Thông tin (CNTT) Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", Thành phố sẽ đưa nguyên tắc thi tuyển đầu vào đối với 100% cán bộ, viên chức Nhà nước đều phải có chứng chỉ, bằng cấp về CNTT.
Mục đích của chính sách này, theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội là để đảm bảo, tất cả các cán bộ, nhân viên trong khối Nhà nước đều có thể sử dụng các ứng dụng CNTT ở một mức độ nhất định, tiến tới xây dựng các "công chức điện tử" và "chính quyền điện tử".
Trong Quy hoạch có nêu rõ, mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020 là trên 90% các văn bản, tài liệu chính thức giữa các cơ quan nhà nước (CQNN) đều phải trao đổi dưới dạng điện tử. 100% cán bộ, công nhân viên chức phải sử dụng thư điện tử trong công việc. 100% sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thành xây dựng "cơ quan điện tử"; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 và 50% dịch vụ tổi thiểu ở mức độ 3.
Để đạt được các mục tiêu này, quan điểm của Sở là phải dựa vào nguồn nhân lực. Bên cạnh những cán bộ chuyên trách về CNTT tại từng đơn vị thì bản thân các cán bộ, nhân viên và lãnh đạo trong CQNN đều cần sử dụng thành thạo máy tính, có thể ứng dụng CNTT trong công việc.
Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2020, HN phải phát triển được các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng tích hợp tại Trung tâm dữ liệu Nhà nước Thành phố. HN cần xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin quan trọng, các cơ sở dữ liệu dùng chung về con người, đất đai, tài chính; Tích hợp các hệ thống dữ liệu như Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên & Môi trường, Dân cư, Hộ tịch, Cán bộ, công chức & viên chức, Quản lý đầu tư xây dựng, Doanh nghiệp; Lao động việc làm; Các dự án đầu tư & cấp giấy phép đầu tư; Cấp giấy phép xây dựng; Khai báo thuế qua mạng...
Bên cạnh yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp CNTT đối với viên chức Nhà nước, Sở TT&TT cũng đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để phát triển nguồn nhân lực CNTT cho Quy hoạch, trong đó có việc thành lập một trung tâm đào tạo CNTT mới tại Hoàng Đạo Thúy hay nâng mức hỗ trợ đối với các cán bộ làm CNTT trên địa bàn Thành phố để thu hút nguồn lực.
Một số mục tiêu đáng chú ý trong Quy hoạch phát triển CNTT Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: - Trên 90% hồ sơ khai thuế của người dân và doanh nghiệp được thực hiện qua mạng. Trên 60% hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, giấy phép lái xe của người dân/doanh nghiệp được thực hiện qua mạng. - Đảm bảo 25-30% tổng số giao dịch của các ngành kinh tế được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch và thương mại điện tử. - Quy hoạch và xây dựng khoảng 5 khu công nghiệp phần mềm và nội dung số, 2 phân khu công nghiệp phần cứng. - 100% kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu, kết quả đấu thầu, danh sách nhà thầu tham gia được đăng tải trên mạng. Khoảng 40% số gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn nhà nước được thực hiện qua mạng. - Trên 80% số bệnh viện phát triển và phổ cập hệ thống quản lý điện tử. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm, học liệu điện tử dùng chung. Đến năm 2030: - Tập trung xây dựng, phát triển HN thành một trung tâm mạnh về sản xuất phần mềm & dịch vụ CNTT ở Đông Nam Á. Tập trung nghiên cứu, sản xuất các phần mềm nhúng cho các thiết bị sử dụng vi mạch; ưu tiên gia công quy trình (BPO), khuyến khíc các dịch vụ đào tạo, gia công phần mềm (ITO)... |
Y Lam