- SEA Games 23, hàng loạt cầu thủ thuộc thế hệ tài năng của bóng đá Việt Nam như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh... đã tham gia bán độ. Là một trong những người đầu tiên biết chuyện "động trời" này, ông Hải có những tiết lộ bất ngờ...

Trở lại quá khứ

SEA Games 23 năm 2005, bóng đá Việt Nam với một thế hệ tài năng được kỳ vọng sẽ mang về tấm HCV đầu tiên trong lịch sử kể từ khi hội nhập sân chơi khu vực. Thế nhưng, cuối cùng thì đó lại là một kỳ SEA Games đen tối, nhơ nhuốc và là dấu chấm hết cho những tài năng Văn Quyến, Quốc Vượng, Hải Lâm, Quốc Anh…

Tại SEA Games năm đó, U23 Việt Nam nhẹ nhàng vào bán kết sau những trận thắng tại vòng bảng. Sẵn tính ăn chơi, trong thời gian nhàn rỗi, một nhóm cầu thủ U23 đã nghĩ ra mọi trò để giải trí. Nhóm cầu thủ này đã ăn chơi tới bến ở một “căn phòng bí mật” – chính là phòng ngủ của một trong số các cầu thủ nói trên.

{keywords}
Nhiều cầu thủ phải ra hầu tòa sau vụ bán độ tại SEA Games 23 năm 2005

Trong những ngày ở Bacolod (Philippines), HLV trưởng Riedl thường xuyên thức đêm để canh chừng cầu thủ, nhưng những học trò của ông còn tinh quái hơn khi xin phép ra ngoài để… ăn đêm. Như được sổ lồng, nhóm cầu thủ U23 Việt Nam đã có những đêm thác loạn ở Bacolod, với thuốc lá, rượu mạnh và cả những cuộc truy hoan.

Nhưng bi kịch với lứa tài năng U23 Việt Nam chưa dừng lại ở đó, trước khi diễn ra trận Việt Nam - Myanma, Lê Quốc Vượng gặp các cầu thủ: Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh để bàn bạc rằng nếu Việt Nam thắng cách biệt Myanmar một bàn thì sẽ có người cho tiền từ 20 đến 30 triệu đồng, cả nhóm đồng ý thực hiện theo lời bàn của Vượng. Ở trận đấu đó, tỷ số 1-0 đủ để Việt Nam vào bán kết và để các cầu thủ nhận tiền như đã bàn bạc, đồng thời giúp Quốc Vượng thắng độ 250 triệu đồng.

Tất cả lãnh đạo cao cấp của VFF đều có mặt tại Bacolod để xem hai trận bán kết và chung kết. Tuy nhiên, ngay sau trận bán kết, một quan chức cùa Liên đoàn đã bỏ về nước, cùng với lời khẳng định đầy chua xót: “Thua chắc rồi, xem làm gì nữa”.

Vụ việc được phanh phui khi U23 Việt Nam về nước. Sau khi nhóm cầu thủ bị bắt vì bán độ, HLV Riedl đã rất ngao ngán: “Các cầu thủ Việt Nam bán độ đã phạm phải một tội ác. Họ đã nhẫn tâm phản bội lại những giá trị tốt đẹp của bóng đá và tệ hại hơn, phản bội lại hàng triệu triệu cổ động viên trung thành nhất. Vì quá yêu tiền, họ đã chà đạp lên tất cả. Tôi không ngạc nhiên vì cầu thủ yêu tiền nhưng quá đỗi sửng sốt khi họ dám giở trò ngay tại SEA Games”.

Văn Quyến, Quốc Vượng, Hải Lâm… sau đó đã bị đưa ra xét xử. Chỉ có Lê Quốc Vượng bị án tù (4 năm), còn các cầu thủ khác chỉ bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Dù được VFF xoá án treo giò, nhưng sự trở lại của những ngôi sao lầm lỡ, đã rất gian nan những năm sau đó.

Tiết lộ bất ngờ của HLV Lê Thụy Hải

Chính HLV Lê Thụy Hải là một trong những người đầu tiên biết chuyện cầu thủ U23 Việt Nam tham gia bán độ. Ông Hải kể lại: "Tài Em chỉ báo cho tôi 2 giờ trước khi U23 Việt Nam bước vào trận bán kết chứ không phải là 1 ngày. Trưa đó tất cả lãnh đạo ra sân xem bóng đá. Tài Em định nói với với phiên dịch đội bóng là anh Hùng Cường, nhưng anh Cường phải đi lo đồ ăn nhẹ cho đội, nên Tài Em nói với tôi.

{keywords}
HLV Lê Thụy Hải là một trong những người đầu tiên biết chuyện cầu thủ U23 bán độ tại SEA Games 23

Tôi nói với Tài Em rằng con phải nói với các cầu thủ là họ không đủ trình độ để làm được như vậy, phải chấm dứt ngay. Thắng ít, thắng nhiều, thua hay không thua nhưng đã độ là đánh bạc. Sau đó tôi bàn với anh Cường, nói rằng không nên nói với HLV trưởng Riedl, bởi đây là danh dự của tổ quốc, không thể nói với người nước ngoài. Quan điểm của tôi là phải nói trước với lãnh đạo đoàn. Chủ tịch, Tổng thư ký có mặt hết ở đó và họ phải là người biết chuyện này".

HLV Lê Thụy Hải sau đó đã gặp một số cầu thủ Đà Nẵng và đã có trao đổi với họ rằng: "Nếu có chuyện ấy các con phải tránh xa vì rất nguy hiểm".

Ông Hải kể tiếp: "Trận đấu đó toàn đội ra sân sớm, tôi kịp báo với Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ. Tôi nghĩ như vậy là hợp lý, nhưng anh Thọ nói với tôi rằng đừng nói gì vội. Rất may U23 Việt Nam thắng Malaysia 2-1. Tối hôm đó lãnh đạo VFF mừng lắm vì vào chung kết. Vì thế tôi cũng không nhớ gì tới chuyện kia. Bây giờ tôi suy nghĩ rằng ngay lúc đó cần phải họp đội lại để chấn chỉnh cầu thủ thì trận chung kết sẽ khác.

Sau đó tôi nghĩ các cầu thủ biết là bị lộ. Cơ quan công an cũng muốn tìm ra kẻ chủ mưu, nhưng tôi chẳng thấy ai nói cả. Có người nói tôi liên quan tới vụ bán độ đó, nhưng nếu có vấn đề gì thì tôi đã không ngồi ở đây".

Theo ông Hải, nếu được làm lại, ông vẫn làm hết trách nhiệm của mình, phải bảo vệ cho chính các cầu thủ, cho bộ mặt của mình. Đây là giải quốc tế. Nếu trợ lý cho HLV Miura thì ông Hải vẫn sẽ báo cáo lãnh đạo trước, phải họp đội để nói chuyện với các cầu thủ.

"Việc đó đau xót lắm. Tôi rất quý Quyến và Vượng, bởi các em tài năng thực sự. Khi các em chơi luôn hết mình. Họ yêu bóng đá, thích được cống hiến. Lứa cầu thủ đó rất hay, sau này Quốc Anh có QBV, Anh Đức, Vũ Phong... cũng vẫn chơi rất tốt.

Các em chỉ một lúc suy nghĩ không đúng đắn đã dẫn đến một con đường khác. Các bạn hãy cảm thông, tha thứ. Tôi rất buồn khi thấy các em không trở lại được, còn những ai trở lại đều rất nghị lực", HLV Lê Thụy Hải chia sẻ.

Cựu HLV CLB B.Bình Dương trăn trở: "Giáo dưỡng trong bóng đá về mặt con người ít lắm. Người ta chỉ chú trọng về thành tích. Người ta nuông chiều cầu thủ để có thành tích và đó là điều không nên có. Hiện nay có nhiều cầu thủ phải treo giò thực sự là tiếc nuối. Có cầu thủ không phải thiếu tiền, vì sao họ lại làm thế? Họ chỉ nghĩ đó là một trò chơi.

Tôi cho rằng các CLB phải giáo dục từ nhỏ nếu không cầu thủ sẽ hỏng. Đó là quy luật. Tôi vẫn nói với các cầu thủ đừng dại dột, đừng nghĩ là sẽ kín. Tôi trong nghề biết đá thế nào là tình cảm, đá thế nào là tiền. Ninh Bình vừa một loạt cầu thủ bị bắt, lại đến Đồng Nai, vậy mà họ không rút ra bài học".

Đại Nam  (ghi)