Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ cực kỳ đặc biệt. Bà không chỉ để lại cho cuộc đời một di sản thơ Nôm đồ sộ và độc đáo mà còn cất tiếng nói cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của người phụ nữ dưới thời phong kiến. Vì lẽ đó, ngày 23/11/2021, UNESCO đã chính thức vinh danh bà là “Danh nhân văn hóa tầm nhìn nhân loại".
Năm 1987, vở chèo Hồ Xuân Hương được Nhà hát Chèo Việt Nam dựng, NSND Bùi Đắc Sừ đạo diễn. Sau 37 năm, Đoàn Chèo Hải Phòng tiếp tục cho ra mắt vở chèo Xuân hương nữ sĩ do NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dàn dựng, tác giả Nguyễn Đức Minh viết kịch bản, NSND Đạt Tăng thiết kế mỹ thuật, NSND Minh Thu chuyển làn điệu chèo…
Vở chèo lấy mốc Hồ Xuân Hương năm 29 tuổi để tái hiện lại những thăng trầm, vinh nhục, trần ai trong cuộc đời của nữ sĩ họ Hồ. Đây là thời điểm Hồ Xuân Hương làm chủ quán thơ Cổ Nguyệt đường vang tiếng ở đất Thăng Long. Tài thơ của bà đã vang khắp gần xa, được nhiều tao nhân, mặc khách mến mộ.
Từ quán thơ này, bà có dịp được giao lưu với rất nhiều tầng lớp và thành phần… trong đó có bạn thơ Chiêu Hổ. Chiêu Hổ và Hồ Xuân Hương sau nhiều lần đối đáp thơ phú đã phải lòng nhau. Tuy nhiên, do Chiêu Hổ không dám ngỏ lời nên cuối cùng Hồ Xuân Hương nên duyên với Tổng Cóc (Chánh tổng Nguyễn Bình Kình). Tổng Cóc là người rất yêu quý, mến mộ và trân trọng tài năng thơ ca của Hồ Xuân Hương. Nhưng cuộc hôn nhân chưa kịp “đơm hoa kết trái” thì Tổng Cóc buộc phải để Hồ Xuân Hương rời đi vì không đành lòng nhìn bà bị vùi dập, áp bức và chịu nhiều oan ức.
Chia tay Tổng Cóc, nữ sĩ họ Hồ trở về với Cổ Nguyệt đường tiếp tục làm thơ và dạy học. Tại đây, bà gặp lại Phủ Vĩnh Tường (Tú tài Phạm Viết Ngạn) là người bạn thơ thuở vong niên, vốn rất trân trọng và mến mộ tài năng của bà. Ngỡ rằng gặp được người tri âm tri kỷ, cả hai sẽ có cuộc sống hạnh phúc, đoạn trường của Hồ Xuân Hương sẽ chấm dứt.
Ai ngờ, cuộc đời bà lại lâm vào bi kịch khác đó là do quá thanh liêm, chính trực mà Phủ Vĩnh Tường bị bọn quan tham đương thời vu oan, cấu kết bắt bớ rồi kết án tử. Để kêu oan cho chồng, Hồ Xuân Hương viết tấu tìm đến các cửa quan nhờ dâng lên vua nhưng tất cả đều quay lưng với bà. Duy chỉ có Tổng Cóc nhận lời giúp đỡ nhưng cuối cùng Phủ Vĩnh Tường vẫn bị kết án tử.
Bi kịch và nỗi đau dồn dập khiến Hồ Xuân Hương thốt nên nhiều lời thơ ai oán. Vở kịch kết thúc bằng bài thơ Bánh trôi nước với những vần thơ: Thân em vừa trắng lại vừa tròn/Bảy nổi ba chìm với nước non/Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son để nói nỗi lòng trung trinh, son sắt của Hồ Xuân Hương trước những sóng gió của cuộc đời.
NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ, lúc đầu Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đặt hàng bà dựng lại vở chèo Hồ Xuân Hương năm 1987 theo kịch bản của Nhà hát Chèo Việt Nam. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tài liệu, tìm đọc các sử sách viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà nhận thấy không thể dựng lại vở này dựa theo kịch bản cũ.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, di sản thơ của bà Hồ Xuân Hương để lại cho đời rất đồ sộ nhưng không phải cái gì cũng đưa được vào vở diễn. Việc tìm ra những bài thơ phù hợp với tình huống và kết nối với nhau nhằm tái hiện rõ nét chân dung của “Bà chúa thơ Nôm” quả không dễ. Nhưng tác giả Nguyễn Đức Minh rất tài năng khi làm được việc đó. Tất cả các bài thơ được đưa vào vở diễn không thừa, không thiếu, không lệch, không sai… Bên cạnh đó, chèo đòi hỏi phải sử dụng nhiều lối văn biền ngẫu và tác giả kịch bản lại am hiểu về lối văn này nên vở diễn mềm mại, linh hoạt.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, vở chèo Xuân hương nữ sĩ được dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ vỏn vẹn 2 tuần.
“Các diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng là những người vô cùng tài năng và tâm huyết, tập ngày đêm với thái độ hết sức nghiêm túc, lao động miệt mài. Chịu nhiều áp lực về mặt thời gian nhưng ai cũng hết mình, không hề kêu ca một lời nào”, NSND Thúy Mùi thổ lộ.
Trong vở chèo Xuân hương nữ sĩ, vai chính Hồ Xuân Hương được giao cho diễn viên Thùy Dương - gương mặt tài năng của Đoàn Chèo Hải Phòng. Để hoàn thành vai diễn này, Thùy Dương phải vượt qua rất nhiều “cửa ải” khó chưa từng thấy.
“Trong các vở trước đây, tôi thường đóng các vai chính nhưng là dạng đào thương, khóc lóc sướt mướt khi buồn, khi đau khổ, muộn phiền. Nhưng khi đóng Hồ Xuân Hương không thể bởi dù là người làm thơ nhưng tính cách bà rất mạnh mẽ, bên ngoài lạnh lùng, bên trong ấm áp… Hồ Xuân Hương là người tinh tế, dí dỏm, sắc sảo nhưng rất nhạy cảm. Diễn làm sao ra được cái chất đó mới là khó", Thuỳ Dương bày tỏ.