Sẽ sớm cấp phép cho doanh nghiệp phát sóng khu vực Bắc Bộ

Tại cuộc họp Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình vào sáng 17/6/2014 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (Công ty Sông Hồng, tên gọi tắt là RTB) trong vòng 15 ngày tới.

Công ty Sông Hồng được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa 4 đơn vị là: Đài PT-TH Hà Nội, Công ty TNHH MTV Hanel, Công ty CP Đầu tư Phát triển Truyền hình Hà Nội  và Công ty CP Dịch vụ Truyền thanh Truyền hình Hà Nội (BTS). Công ty Sông Hồng sẽ triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị cho 14 đài PT-TH thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ theo đúng lộ trình đã đề ra của Đề án số hóa truyền hình. Công ty này có vốn điều lệ 30 tỷ đồng và có 4 cổ đông sáng lập. Công ty Sông Hồng cũng đã ký thỏa thuận với Đài PT-TH Hải Phòng, theo đó Đài PTTH Hải Phòng sẽ tham gia góp vốn và trở thành cổ đông của Công ty Sông Hồng.

Ông Phạm Quang Sơn, Tổng giám đốc công ty CP Truyền thông Hanel (Hanelcom) – đại diện cho Công ty Sông Hồng cho biết, hiện nay công ty này đã sẵn sàng mọi điều kiện cho việc phát sóng số mặt đất tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi được cấp phép Công ty Sông Hồng sẽ tiến hành mua sắm thêm một số thiết bị, máy phát để chuẩn bị phát sóng số từ năm 2015. Bên cạnh đó, Công ty Sông Hồng cũng sẽ sử dụng 2 cột anten, của Đài PT-TH Hà Nội và Đài PT-TH Hải Phòng, cũng như phối hợp sử dụng hệ thống headead và trạm phát sóng của BTS để phát sóng số quảng bá.

Đến năm 2015, Công ty Sông Hồng sẽ triển khai và hoàn thành việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại Hà Nội (cũ) và Hải Phòng để cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, sẵn sàng chuyển tải các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của các đài truyền hình trung ương và địa phương trên địa bàn.

Từ năm 2015 đến năm 2016 triển khai và hoàn thành việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ để cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, sẵn sàng chuyển tải các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của các đài truyền hình Trung ương và địa phương trên địa bàn.

Việc thành lập doanh nghiệp khu vực Nam Bộ vẫn rơi vào bế tắc

Theo kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền hình, tại 2 khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ sẽ thành lập mỗi khu vực 1 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng số cho các tỉnh trong địa bàn. Trong khi việc thành lập doanh nghiệp tại Bắc Bộ đã hoàn tất thì tại khu vực Nam Bộ vẫn chưa thể triển khai do Đài Truyền hình TPHCM và Đài PT-TH Vĩnh Long chưa đưa ra một phương án thống nhất để cùng hợp tác.

Để đảm bảo tiến độ phủ sóng truyền hình số tại khu vực Nam Bộ theo đúng kế hoạch, Cục Tần số Vô tuyến điện đề nghị, sẽ tiếp tục vận động để Đài Truyền hình TPHCM và Đài PT-TH Vĩnh Long hợp tác thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng chung. Thời hạn thành lập doanh nghiệp và hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực Nam Bộ là 30/9/2014.

Trong trường hợp hai đơn vị này không thể bắt tay nhau mà vẫn muốn mỗi đơn vị thành lập một doanh nghiệp riêng, Bộ TT&TT sẽ thực hiện cấp phép cho duy nhất 1 doanh nghiệp thông qua hình thức thi tuyển. Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện trình Thủ tướng Chính phủ về băng tần để chuẩn bị cho phương án thi tuyển.

Ông Trần Quang Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng của VTV cho biết, hiện nay VTV có đủ năng lực để bảo đảm phát sóng 2 kênh truyền hình của TPHCM và Cần Thơ. Ông Hưng đề nghị, để đảm bảo hiệu quả đầu tư  Bộ TT&TT nếu giao nhiệm vụ cho VTV thì giao luôn toàn bộ khu vực Nam Bộ trong trường hợp gặp khó khăn khi thành lập doanh nghiệp phát sóng số tại khu vực này, VTV sẵn sàng đảm nhận và đảm bảo chất lượng tốt nhất.