Công trình cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai được khởi công từ cuối năm 2021 nhưng đã bị chậm tiến độ do thiếu mặt bằng. Dự án có tổng mức đầu tư trên 490 tỷ đồng lấy từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.
Cây cầu khi hoàn thành sẽ kết nối TP Tân Uyên (Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Trước đây, để buôn bán và qua lại hai bên bờ sông Đồng Nai, người dân các địa phương này chỉ có thể đi phà. Vì vậy, cầu Bạch Đằng 2 được kỳ vọng góp phần thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội.
Theo thiết kế, cầu Bạch Đằng 2 có chiều dài toàn tuyến gần 950m, rộng 17m, quy mô 4 làn xe. Trong đó, phần cầu dài 402m, phần đường dẫn đầu cầu dài 545m.
Thời điểm này, giữa tháng 5, công nhân đang thi công các đốt đúc hẫng cân bằng, bệ thân mố M1. Khối lượng công trình ngoài sông đạt khoảng 70% so với hợp đồng.
Cầu có kết cấu phần trên là dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục, được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng với sơ đồ nhịp 60 + 3 x 90 + 60m.
Đường dẫn lên cầu ở phía Bình Dương sẽ nối thẳng vào tuyến đường dài gần 3km kết nối với cầu Bạch Đằng 1 và tuyến đường DT747 của tỉnh Bình Dương.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ lên 3 ca làm việc với hơn 70 công nhân, kỹ sư. Đến nay, chủ đầu tư đã xây dựng xong trụ T1, T2, T3, T4 và chuyển qua thi công phần dầm cầu.
Phần đường đầu cầu, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa nóng.
Hạng mục thi công cầu chính đạt tiến độ khả quan, các trụ chính đang được hoàn thiện. Theo kế hoạch, cầu Bạch Đằng 2 sẽ được thông xe vào cuối năm nay.
Dù thời điểm mùa hè nắng nóng, các công nhân vẫn không ngừng công việc, chạy đua với thời gian hoàn thành công trình.
Công nhân Nguyễn Tấn Hùng đang đút thép bờ bo lan can bên phía bờ Đồng Nai.
Theo thông tin từ BQL dự án, công trình hiện đã đạt 70% khối lượng công việc. Dự kiến hợp long vào tháng 6/2024. Cầu Bạch Đằng 2 là dự án trọng điểm kết nối giao thông khu công nghiệp ở TP Tân Uyên với huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.