Theo Newsweek, một tài khoản mạng xã hội X đã đăng tải hình ảnh tàu ngầm USS Seawolf của Hải quân Mỹ tới thành phố Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa của Nhật Bản hôm 4/10. Chính quyền tỉnh cũng đã xác nhận chuyến thăm của tàu ngầm Mỹ.
Tuy nhiên, phía Hải quân Mỹ chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên.
Hải quân Mỹ từng mô tả các tàu ngầm lớp Seawolf "đặc biệt yên tĩnh, di chuyển nhanh, được trang bị vũ khí hiện đại, cùng các cảm biến tiên tiến". Tàu được trang bị 8 ống phóng ngư lôi để phóng tên lửa hành trình tấn công đất liền, hoặc ngư lôi.
Còn theo USIN News, lớp Seawolf ban đầu được phát triển cho các hoạt động ở vùng nước sâu để chống lại tàu ngầm Liên Xô cũ. Sau đó, lớp tàu này được nâng cấp, và sửa đổi để thực hiện các nhiệm vụ nhạy cảm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Lớp Seawolf là một phần trong hạm đội tàu ngầm tấn công cỡ lớn của Mỹ gồm 53 tàu, và tất cả đều chạy bằng lò phản ứng hạt nhân. Chúng được thiết kế để tìm kiếm và tiêu diệt tàu địch, thể hiện sức mạnh, làm nhiệm vụ do thám, cùng các nhiệm vụ khác.
Trong số 3 tàu ngầm lớp Seawolf, USS Seawolf là tàu duy nhất đang hoạt động. Chiếc tàu thứ 2 trong lớp này là USS Connecticut từng đâm phải núi ngầm ở Biển Đông vào tháng 10/2021, khiến 11 thành viên trong đoàn thủy thủ bị thương. Theo Naval News, USS Connecticut đang được sửa chữa với chi phí ước tính là 80 triệu USD, và dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào đầu năm 2026.
Trong khi đó, USS Jimmy Carter, tàu ngầm lớp Seawolf thứ 3, trang bị công nghệ tiên tiến phục vụ cho chiến tranh đặc biệt, giám sát chiến thuật, và chiến tranh thủy lôi, đang được bảo dưỡng theo lịch trình.
Hải quân Mỹ thường xuyên triển khai các tàu ngầm tấn công tới Tây Thái Bình Dương để thể hiện sức mạnh, và hỗ trợ các nước đồng minh. Cụ thể, USS Vermont, một tàu ngầm tấn công lớp Virginia được trang bị 25 ngư lôi và 12 tên lửa hành trình, đã tới thành phố Busan ở Hàn Quốc vào ngày 23/9.
Một số hình ảnh tàu ngầm hạt nhân USS Seawolf của Mỹ tới Nhật Bản: