Mặc dù bầu trời có lúc có mây, nhưng qua ống kính thiên văn, hiện tượng bộ ba Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất thẳng hàng nhau sáng nay rất ngoạn mục. Khi quan sát từ Trái đất, Mặt trăng che khuất phần lớn Mặt trời khiến bầu trời tối hẳn, trong khi quầng sáng của quả cầu lửa đỏ rực.
Đây là hiện tượng nhật thực cuối cùng của thập niên 2010. Mặt trăng che khuất phần lớn Mặt trời và để lại một vành sáng nhỏ có hình chiếc nhẫn. Theo tính toán của các nhà thiên văn học, hiện tượng nhật thực hình khuyên xảy ra từ lúc 03:43 sáng giờ GMT vào ngày 26/12. Tại Việt Nam, thời gian xảy ra quá trình nhật thực bắt đầu từ khoảng 10h43 đến 14h01 theo giờ Hà Nội. Hiện tượng đạt cực đại vào lúc 12h17, tạo ra nhật thực hình khuyên kéo dài tối đa 3 phút 40 giây. Việt Nam chỉ quan sát được nhật thực một phần, trong đó Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất lúc cực đại ở TP.HCM là khoảng 70%, Hà Nội khoảng 40%.
Đây cũng là hiện tượng nhật thực lần thứ ba trong năm 2019 sau nhật thực một phần ở Nga và Đông Bắc Á ngày 6/1/2019 và nhật thực toàn phần ở Nam Mỹ vào ngày 2/7/2019.
Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời và quan sát từ Trái Đất, lúc đó Mặt Trăng che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra tại thời điểm trăng non khi nhìn từ Trái Đất - lúc Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất và bóng của Mặt Trăng phủ lên Trái Đất. Trong lúc nhật thực toàn phần, đĩa Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn. Với nhật thực một phần hoặc hình khuyên, đĩa Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần.
Hiện tượng che khuất là hiện tượng của tự nhiên. Tuy thế, trong lịch sử cổ đại và quan niệm của một số người hiện đại, nhật thực thuộc về hiện tượng siêu nhiên. Hiện tượng nhật thực toàn phần gây ra sự sợ hãi đối với người dân thời cổ đại do thiếu hiểu biết về thiên văn học, khi Mặt Trời dường như biến mất vào ban ngày và bầu trời tối đen trong vài phút.
Ảnh chụp từ màn hình nhật thực tại TP.HCM:
Nhật thực lúc hơn 12h sáng nay tại Hà Nội trong bối cảnh mù dày đặc: