Ngày 1/10/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (2.1) của quân đội Việt Nam với 63 người, lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.

Bệnh viện dã chiến 2.1 khi ấy đã thành lập được 4 năm, tập trung huấn luyện tại Bệnh viện 175 (TP. Hồ Chí Minh).

Sau thời gian dài huấn luyện tiền triển khai cùng các đồng đội, chiều ngày 2/10/2018 (giờ địa phương), chiếc máy bay C17 của Australia chở bác sĩ Sơn cùng các cán bộ nhân viên Bệnh viện dã chiến 2.1 đáp xuống sân bay quốc tế thủ đô Juba, Nam Sudan.

Đây là quốc gia đã trải qua cuộc nội chiến kéo dài suốt từ năm 2013. Tính tới năm 2018, số người thiệt mạng lên tới 50.000 người, hơn 4 triệu người phải tha hương, hơn 250.000 trẻ em suy dinh dưỡng trầm trọng.

{keywords}
Các bác sĩ giao lưu, trao đổi chuyên môn khi ở Nam Sudan

Sau khoảng 3 đến 4 giờ bay, đoàn Bệnh viện dã chiến Việt Nam đến Bentiu. Nhiệm vụ chính của bệnh viện là chăm sóc, khám và điều trị cho khoảng 3000 nhân viên và binh lính Liên Hợp Quốc, các nước gửi quân. Ngoài ra, bệnh viện cũng tiếp nhận khám, điều trị cho người dân thường nơi đơn vị đóng quân.

Trong hơn 1 năm triển khai Bệnh viện dã chiến tại Bentiu, các bác sĩ đã khám và điều trị cho hơn 2000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật hơn 50 ca, từ tiểu phẫu cho đến đại phẫu. Đây là con số đáng ghi nhận đối với một bệnh viện dã chiến còn nhiều thiếu thốn về trang thiết bị y tế.

Đoàn công tác Bệnh viện dã chiến 2.1 Việt Nam đến Nam Sudan đúng thời điểm quốc gia châu Phi này đang bước vào mùa khô. Nhiệt độ ngoài trời Bentiu lên tới 40 đến 45 độ, độ ẩm thấp, đất đai khô khốc. Một ngày nơi đây như có đến bốn mùa khi nhiệt độ ngày và đêm có thể chênh nhau đến 30 độ.

Theo đó, ban ngày rất nóng, tới 40 độ C, có hôm hơn 50 độ, bụi mù mịt nhưng ban đêm lại khá lạnh, chỉ 17-18 độ

Trong những ngày đầu tiên, do chưa kịp hoàn thiện việc xây dựng, Bệnh viện dã chiến 2.1 phải triển khai trong lều bạt, dưới cái nắng nóng gay gắt.

Mùa khô, nước sinh hoạt rất thiếu thốn. Lượng nước được hỗ trợ trung bình từ 15 - 20 lít/ người/ ngày dùng cho cả việc ăn uống, vệ sinh, tắm giặt không đủ, các bác sĩ phải thay phiên nhau đi lấy nước ở những giếng khoan xung quanh đơn vị bạn

Không chỉ khó khăn về môi trường sống, điều kiện sống, họ còn phải đối mặt với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Những ngày đầu tới Nam Sudan, các bác sĩ rất khó để liên lạc về với gia đình bởi hệ thống viễn thông, mạng internet gần như không có. Sau khi hoạt động ổn định, bệnh viện được hỗ trợ 2GB mạng internet/người/tháng. Các bác sĩ thường chia đều cuộc gọi ra các ngày để tiết kiệm số dung lượng ít ỏi.

Dù vậy, họ vẫn cố gắng để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh việc chữa trị cho bệnh nhân, các cán bộ, chiến sĩ còn tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao, giúp đỡ người dân địa phương, góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Ngày 27/11/2019, tốp cuối của Bệnh viện dã chiến 2.1 rời Nam Sudan về nước, kết thúc một năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chuyến đi đã để lại trong họ nhiều kỷ niệm khó phai. Sự nỗ lực của các bác sĩ đã góp phần làm đẹp hình ảnh của ngành y tế Việt với bạn bè quốc tế.

Lê Hà