Cáo trạng vụ án thể hiện, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch.
Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương.
Bị cáo Trần Tùng, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên, có hành vi nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 3 chuyến bay.
Các bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt; Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Văn Văn, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; Lê Ngọc Tường, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam,... bị đưa ra xét xử về tội Nhận hối lộ.
Bà Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương bị cáo buộc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc.
Bên cạnh đó, VKSND cũng truy tố Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an về tội Che giấu tội phạm.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 8 ngày. Tòa triệu tập đại diện Sở Ngoại vụ và UBND tỉnh Thái Nguyên, Cục Hàng không Việt Nam và 10 người có quyền nghĩa vụ liên quan, nhân chứng. Trong số này, có bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa, bị phạt 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ tại giai đoạn 1 của vụ án.