Tỉnh Kon Tum có 13 xã biên giới nằm trên địa bàn của 4 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống và đời sống còn đang gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, là đơn vị đứng chân trên địa bàn biên giới làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, lực lượng BĐBP tỉnh xác định để thực hiện tốt nhiệm vụ này thì phải dựa vào dân, dựa vào cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Do vậy, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã triển khai rất nhiều mô hình giúp dân có hiệu quả, như chương trình nâng bước em tới trường, con nuôi đồn biên phòng, đưa đảng viên xuống sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng và giúp đỡ người dân thoát nghèo; đặc biệt, mô hình “phân công sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS kết nghĩa giúp đỡ các hộ gia đình người DTTS nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới” đã phát huy hiệu quả thiết thực. 

Ảnh minh họa

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum, các đồn biên phòng đã triển khai đưa cán bộ của đồn biên phòng về tăng cường công tác tại 13 xã biên giới của tỉnh và đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

Xã Sa Loong là một trong những xã đặc biệt khó khăn, với trên 85% dân số là người dân tộc tại chỗ, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, với nhiều hủ tục, canh tác còn lạc hậu… Nhiều hộ dân đã bị các đối tượng xấu lôi kéo đi theo tà đạo Hà Mòn… Ban Chỉ huy đồn biên phòng Sa Loong phối hợp với các ban, ngành địa phương tích cực xuống tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và lối canh tác hiệu quả thấp, từ đó giúp người dân biết cách làm ăn phát triển  kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thiếu tá Phạm Huy Thắng (cán bộ Biên phòng tăng cường cho xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ: “Tôi nhớ nhất là năm 2003, trên địa bàn thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong xuất hiện tà đạo Hà Mòn. Chúng tôi hàng ngày đã phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ công tác tuyên truyền vận động của các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn, đặc biêt là lực lượng biên phòng, đã tuyên truyền cho quần chúng nhân dân theo tà đạo Hà Mòn tại thôn Giang Lố 2 từ bỏ tà đạo Hà Mòn quay về đạo chính thống để sinh hoạt”. Còn anh A Đam, thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cũng cho biết thêm: “Các cán bộ biên phòng đã xuống cầm tay chỉ việc, từ đó bà con làm kinh tế khá hơn. Ngày xưa trồng mì giờ bỏ bớt đi để trồng cà phê, cao su cho hiệu quả kinh tế hơn, thu nhập cao hơn”.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum có 13 cán bộ được tăng cường về cho 13 xã biên giới, trong đó có 3 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã. Tại những nơi công tác, những người lính biên phòng được tăng cường cho các xã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Là cầu nối giữa đồn biên phòng với cấp uỷ, chính quyền địa phương để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân.

Lãnh đạo xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Trong những năm qua công tác phối hợp giữa đồn Biên phòng Sa Loong với Đảng ủy, chính quyền xã có rất nhiều thuận lợi, đặc biệt là công tác tuyên tryền vận động bà con nhân dân trong việc phát triển kinh tế xã hội, các chương trình giúp dân, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế. Chúng tôi từng nói với nhau giữa đồn với xã hai mà như một; bây giờ có một đồng chí biên phòng tăng cường nữa thì nhiệm vụ phối hợp càng tốt hơn”.

Thanh Hùng, Lê Nhung, Kiều Oanh, Bảo Phùng, Lê Thuý