Báo cáo Giải quyết Vấn đề Biến đổi Khí hậu trong ngành giao thông vận tải Việt Nam 2019 cho thấy, đến năm 2030, lượng phát thải CO2 trong ngành giao thông vận tải khoảng 89,1 triệu tấn. Trong đó đường bộ là nguồn phát thải lớn nhất với 71,7 triệu tấn chiếm tỷ lệ khoảng 80%.
Ngày 22/07/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải” với mục tiêu: Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Làm gì để làm giảm lượng phát thải trong ngành giao thông là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Và việc chuyển đổi xe điện là giải pháp nhiều người nhắc đến.
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển xe điện, với việc gia tăng phương tiện có động cơ chạy bằng điện từ 140 năm 2019 lên khoảng 2,000,000 xe máy điện và 11,000 xe ô tô điện vào cuối năm 2022. Do môi trường ngày càng thuận lợi về chính sách, số lượng xe buýt điện và taxi đã tăng lên ở các thành phố. Ngành công nghiệp xe điện trong nước của Việt Nam cũng đã đặt ra những kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho việc phát triển xe điện, bao gồm cả việc cung cấp các giải pháp sạc điện và ắc quy. Sự gia tăng của các loại xe hybrid (xe sử dụng song song hai nguồn động cơ là động cơ đốt trong và động cơ điện), plug-in hybrid (loại xe kết hợp giữa xe chạy bằng xăng truyền thống và xe chạy bằng điện hoàn toàn) và xe điện thuần túy sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon trong ngành giao thông vận tải. Đây là những con số được đưa ra tại hội thảo về giải pháp xử lý cuối vòng đời của pin xe điện do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức cuối năm 2023.
Tại “Hội thảo doanh nghiệp về Chuyển đổi xanh, Tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) vào năm 2050” được tổ chức vào sáng ngày 11/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Công Nhật - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho biết, hiện nay Việt Nam có tổng 8.746 xe buýt, trong đó Buýt diesel (7.758 xe ~ 89%); Buýt CNG (702 xe ~ 8%); Buýt điện (286 xe ~ 3%).
Theo thống kê của Wold Bank và PPIAF, tỉ lệ xe buýt tại các thành phố vào khoảng 0,5% đến 1,2% xe buýt /1000 dân. Tỉ lệ xe buýt ở Hà Nội và Hồ Chí Minh đang là dưới 0,2% là rất thấp dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên. Để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng, với tỉ lệ 0,8 xe buýt/1000 dân, Hà Nội và Hồ Chí Minh cần thêm khoảng 5 đến 6 nghìn xe.
VinBus hiện đang là đơn vị tiên phong vận hành xe buýt điện tại Việt Nam – Green Bus do VinFast sản xuất với đặc thù hợp tác với các thương hiệu danh tiếng trên thế giới; Không phát khí thải, không tiếng ồn; Sạc nhanh, di chuyển 220~260km/lần sạc đầy; Thiết kế tối ưu với sàn thấp, thân thiện với người khuyết tật; Áp dụng công nghệ hiện đại, thông minh, hỗ trợ an toàn cho lái xe và hành khách.
Hiện nay, xe buýt thông thường tỉ lệ người đi làm sử chiếm khoảng 25-30%; riêng đối với buýt điện tỉ lệ người đi làm chiếm 89%, gấp 3 lần xe buýt thường. Việc thu hút được đối tượng người đi làm sử dụng xe buýt góp phần giảm xe cá nhân và giảm ùn tắc giao thông
Ông Nhật cũng cho biết, hiện hãng có 26 tuyến buýt với 286 xe, vận chuyển 125.041 hành khách/ngày. Các tuyến buýt này góp phần giảm hơn 31 nghìn tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương trồng 1,45 triệu cây xanh. Dự tính với số xe buýt điện đang hoạt động đến 2030 sẽ đóng góp giảm 170 nghìn tấn CO2 (~ 25%) trong tổng số 700k tấn CO2 theo cam kết NDC 2022. Các hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đặc biệt là tạo hiệu ứng tích cực từ cộng đồng về xu hướng di chuyển không phát thải, cùng chung tay vì Tương lai Xanh.
Huệ Anh