- Một số học sinh của Trường THPT Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM) cho biết các em không được nghỉ trưa trong trường vì không học bán trú. Thời gian giữa hai buổi học sáng, chiều, nhiều em nhà xa không về được phải phải vạ vật ngoài cổng trường rất mệt mỏi

Ông Phạm Văn Nghĩa, hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm công nhận thông tin mà học sinh phản ánh là đúng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, học sinh đã được vào nghỉ trưa tại trường.

Học sinh lê la, tôi cũng xót

Khá cởi mở, vị hiệu trưởng này cho biết việc học sinh không học bán trú không được nghỉ trưa trong trường là vì thời gian vừa rồi nhà trường chưa có điều kiện để bố trí chỗ nghỉ ngơi và quản lý được học sinh trong giờ nghỉ trưa.

{keywords}
Học sinh phải ra khỏi trường vì không học bán trú (ảnh học sinh cung cấp)

“Ở trường này từng xảy ra các việc không hay như học sinh nam nữ hò hẹn ở các góc khuất trong khuôn viên nhà trường. Vì vậy, dù muốn cho học sinh ở lại trường giờ nghỉ trưa nhưng thời gian qua, khi chưa sắp xếp được chỗ, chúng tôi không có cách nào khác” – ông Nghĩa lý giải.

“Nhìn học sinh buổi trưa phải vạ vật bên ngoài, tôi cũng xót chứ, nhưng chả lẽ lại than thở với phụ huynh? Khi căng tin trong trường xây dựng xong, trường đã làm việc và bố trí cho học sinh nếu không tham gia bán trú sẽ được nghỉ trưa ở đây.

“Khu vực này có điều hòa mát mẻ, các em có thể nghỉ ngơi tại đây trong giờ trưa. Nhưng những em nào nghỉ ở đây phải chấp hành sự quản lý của nhà trường, trong giờ nghỉ  không được ra khỏi khu vực căng tin đi lung tung nghịch phá trong trường. Em nào vi phạm trường sẽ không cho nghỉ trưa trong trường nữa”.

{keywords}
Quy định của Trường THPT Thủ Thiêm

Chia sẻ chân thành, ông Nghĩa cho biết sở dĩ phải quy định chặt chẽ như vậy vì “ở độ tuổi dậy thì này học sinh như thế nào thì ai cũng biết đấy, rất dễ xảy ra hệ lụy”.

Trường phải có kỷ cương

Trước thông tin học sinh phản ánh bị “ép” mua đồ ăn ở căng tin, theo ông Nghĩa, nhà trường có quy định rõ về việc này.

“Nhà trường có quy định các em không được mang đồ ăn bên ngoài vào trường. Và ngay cả khi mua đồ ăn ở căng tin, học sinh cũng phải ăn uống ngay tại đó chứ không được mang ra sân trường hay vào lớp học”.

Ông Nghĩa cho biết sở dĩ năm nay trường bắt đầu làm chặt việc này vì “Trước đây học sinh mang đồ ăn vào trường là xả rác khắp nơi, trong trường rất nhiều rác, nên tôi phải đặt ra quy định, chứ đó không phải là ép học sinh mua đồ của căng tin. Nếu đồ căng tin không ngon, học sinh sẽ từ chối thôi, đó là quy luật cung cầu.

Các em có thể mua đồ ăn ở đâu là tùy, nhưng nếu mua bên ngoài thì ăn xong bên ngoài rồi hãy trở vào trường, miễn là các em phải chấp hành quy định giờ ra vào của trường. Buổi trưa, trưởng mở cửa từ 11h. Bảo vệ sẽ đóng cửa trường vào đúng 11h45 phút. Theo tôi, 45 phút là đủ thời gian để các em nếu muốn có thể ra ngoài thu xếp được bữa trưa”.

{keywords}
Trường THPT Thủ Thiêm

Hè vừa rồi, tôi cho sơn lại hết bàn ghế, vì chị cũng biết đấy, bàn ghế thường bị học sinh vẽ bậy chằng chịt. Đầu năm học, tôi “trả lại” cho học sinh bàn ghế sạch sẽ. Học sinh nào mà vẽ bậy vào chỗ ngồi của mình, các em phải chịu trách nhiệm”.

Một trong những việc mà trường xiết chặt trong năm học này, cũng đã gây phản ứng từ một số phụ huynh và học sinh, là xiết chặt việc đi học đúng giờ.

Trường còn có quy định và thực hiện nghiêm ngặt về giờ đi học của học sinh. Theo đó, học sinh phải có mặt trước 7h25 phút buổi sáng và buổi chiều là trước 12h55 phút. Học sinh đi trễ không được vào trường.

Lý do của việc áp dụng “kỷ luật sắt”, theo ông Nghĩa, là trước đây có cảnh học sinh đi học muộn rất lộn xộn. Buổi học nào cũng có cả chục học sinh tới muộn. Trường đã áp dụng các hình thức chép phạt hay cho lao động nhặt rác cũng không giải quyết được tình trạng này. Vì vậy năm nay hiệu trưởng đưa vấn đề đi học đúng giờ vào nội quy cụ thể.

 “Không chỉ xử lý học sinh đi muộn, tôi xử lý cả giáo viên đi muộn. Năm nay tôi đã điều chỉnh giờ học xuống 7 rưỡi chứ không phải 7 giờ như trước đối với các ngày trong tuần, trừ thứ hai, thì không còn lý do gì để đi muộn – giáo viên hay phụ huynh đủ thời gian để đưa con cái tới trường rồi đi làm, và giờ đó cũng không hề sớm đối với một học sinh cấp 3, vì học sinh cấp 2 như con tôi còn tới trường từ 6 rưỡi.

Vì vậy, nếu đi muộn thì chỉ do thói quen thôi. Tôi quy định giáo viên đi muộn 3 lần sẽ không đạt lao động tiên tiến. Học sinh nào vắng mặt giờ chào cờ 3 lần thì mức hạnh kiểm cao nhất chỉ là trung bình. Kết quả là từ đầu năm học tới nay có nhiều buổi không có học sinh nào trễ”.

“Ai nói tôi quân phiệt, tôi cũng chịu, nhưng gia có gia phong, trường phải có kỷ cương. Tôi thấy rằng việc xiết chặt kỷ luật của nhà trường thời gian qua đã có kết quả, trường bây giờ đã khang trang sạch sẽ hơn, tìm cọng rác còn khó. Tôi hy vọng dần dần học sinh và phụ huynh sẽ thấy tác dụng của những việc làm này của trường” – ông Nghĩa bày tỏ mong muốn.

Ngân Anh – Lê Huyền