Mới đây, nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định ở các trường học trên địa bàn, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) yêu cầu các trường rà soát, xử lý, kiểm điểm các trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm trái quy định.

Hiệu trưởng nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước phòng về các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, nhà trường có cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ không xét danh hiệu thi đua trong năm học.

Chỉ đạo này của Phòng GD-ĐT quận Ba Đình nhận được sự đồng tình của đa số dư luận. Chia sẻ trên VietNamNet, nhiều độc giả cho hay dù Bộ GD-ĐT đã cấm các hoạt động dạy thêm, học thêm trái quy định nhưng tình trạng này vẫn diễn ra công khai, gây bức xúc đối với phụ huynh.

Chẳng hạn, nhiều trường hợp học sinh đi học thêm, trên lớp thường được giáo viên ưu ái hơn, thậm chí biết trước nội dung kiểm tra hoặc được giáo viên cho ôn luyện trước, nhờ đó đi thi sẽ được điểm cao. Trong khi đó, có những em không đi học thêm lại bị giáo viên “trù dập”, gây bất công, ức chế, bất ổn tâm lý.

Cũng có trường hợp giáo viên không dạy hết kiến thức trong giờ chính khóa mà để kiến thức dạy trong lớp học thêm. Khi học thêm, thầy cô sẽ giảng bài mới nên khi dạy trên lớp, các học sinh học thêm biết rồi nên giáo viên sẽ giảng lướt. Các em nào nếu không học trước và học yếu sẽ không theo kịp.

“Vì lẽ đó, nhiều phụ huynh rơi vào tình huống khó xử, dù muốn cho con được nghỉ ngơi, không phải chạy đua học thêm mỗi cuối tuần hay sau giờ học, nhưng lại lo sợ, băn khoăn con bị “phân biệt” nếu không đăng ký lớp học thêm của cô”, một độc giả bình luận.

Do đó, hầu hết độc giả đều đồng tình, cần phải có chế tài đủ mạnh buộc các trường trên toàn quốc tiến đến xóa bỏ tình trạng học thêm, dạy thêm trái quy định.

Độc giả Chúc Nguyễn cho hay: “Việc không xét thi đua cho trường có giáo viên vi phạm dạy thêm là một biện pháp hay, bắt buộc hiệu trưởng phải quán triệt, theo dõi và không được phép bao che cho giáo viên. Các nơi khác cũng nên học tập phương pháp quản lý này”.

Trong khi đó, nhiều độc giả khác cho rằng các địa phương có thể quy trách nhiệm, kỷ luật, thậm chí cách chức hiệu trưởng các trường nếu để xảy ra trường hợp giáo viên vi phạm. Đối với những giáo viên dạy thêm trái quy định, có thể đình chỉ dạy, nếu tái phạm có thể buộc thôi việc.

“Có như vậy mới làm lành mạnh nền giáo dục”, độc giả Nguyễn Sỹ Linh viết.

Độc giả Phạm Phong cho hay, quy định này cần được nhân rộng và áp dụng chung cho cả nước, nhờ đó sẽ không còn tình trạng dạy thêm gây bức xúc cho phụ huynh mà không được giải quyết nữa.

Trong khi đó, độc giả Đỗ Văn Khoa cho rằng để thưc hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, việc giám sát nên được giao cho chính quyền địa phương, cụ thể là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng/phó thôn vì đây là những người sâu sát nhất.

“Tại khu dân cư, thầy cô nào tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ không dễ “qua mắt” được người dân cho dù có mượn địa điểm hay một hình thức nào đó...

Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc chỉ đạo vấn đề này để nền giáo dục đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng đòi hỏi về công tác giáo dục trong thời kỳ mới”, độc giả này cho hay.