Sau hai tháng nghỉ hè, và nghỉ là nghỉ chứ không học thêm hoặc học trước rồi khai giảng sau như ở Việt Nam, ngày đầu tiên của tháng Chín học sinh tại Bỉ vào năm học mới.

Nếu không kể hàng cờ đuôi nheo phấp phới, thêm hai chiếc bàn bày cà phê và trà nóng thơm phức mời phụ huynh kê trên những vạch sơn vừa quét lại khá chói mắt, buổi khai trường chẳng khác ngày thường! Thầy hiệu trưởng không đọc diễn văn, chuông reo là vào ngay lớp học.

{keywords}

Đồ chơi mới đã sẵn sàng đón các bé mẫu giáo ở trường Heikan (Bỉ).

Không được đọc diễn văn, hiệu trưởng làm gì? Buổi khai trường năm nay, thầy hiệu trưởng của trường mẫu giáo và tiểu học Heikant nơi hai con tôi theo học mặc đồng phục áo thun trắng hợp màu tóc trắng đứng ở cổng chào đón học sinh cùng phụ huynh. Sau đó ông mất hút trong đám đông phụ huynh tranh thủ trò chuyện trước khi ra về.

Tôi chỉ thấy ông lên sân khấu một lần trong năm, ngày hội trường cuối niên học, cũng trịnh trọng đứng trước micro, nhưng không đọc diễn văn mà làm người dẫn chương trình mở màn cho học sinh múa hát! Nhìn chung ông lang thang trong khuôn viên trường học nhiều hơn ngồi văn phòng.

Vào đầu mùa xuân, ông đứng bên cổng trường chào bán những chậu hoa thường xuân, cúc, mẫu đơn nho nhỏ để gây quỹ. Trông như một ông lão làm vườn đích thực.

Ở bên này không có ngày dành riêng cho nhà giáo nhưng lại có Ngày của bố, Ngày của mẹ. Thầy cô bậc mẫu giáo và tiểu học ở Bỉ mỗi năm hai dịp phải giúp học trò làm quà tặng phụ huynh. Chẳng lẽ không có dịp nào tặng quà bày tỏ lòng biết ơn thầy cô giáo?

Có đấy, nếu muốn, bạn có thể tặng đồ lưu niệm nho nhỏ vào dịp khai trường hoặc kết thúc năm học. Lúc này các cửa hàng thường bày bán nhiều sản phẩm trân trọng dòng đề “cho người thầy/cô kính yêu của tôi”.

Đi mua sắm thời điểm này, có trót quên cũng được kín đáo nhắc nhở như thế. Quy chuẩn đạo đức xã hội Bỉ không có ngày dành riêng để nói về nhà giáo, nhưng lại có cách thức tế nhị để nghĩ về thầy cô!

Tuy nhiên, đôi ba dịp, tôi cũng thấy nhà trường nói về thầy cô khá cụ thể, thậm chí còn gửi thông báo đến phụ huynh. Tháng Sáu vừa rồi, cặp sách của bọn trẻ nhà tôi mang về có mẩu giấy nhỏ “Hết năm học này cô Betty và cô Lisette bắt đầu chuyến phiêu lưu mới- nghỉ hưu. Vì thế, khuôn viên trường sẽ đặt thêm nhiều chậu hoa tươi vào thứ Ba, 25/6. Cũng vào thứ Ba, tất cả học trò mang theo phần ăn trưa chuẩn bị sẵn từ nhà để cùng dự buổi dã ngoại, mỗi lớp chọn một màu áo thun riêng, chúng ta tập hợp thành nhiều màu sắc chúc mừng và cảm ơn cô Betty, cô Lisette. Suỵt! Bí mật nhé, hai cô ấy không biết trước chuyện này đâu”.

Còn nhớ, sáng hôm ấy, khi đưa lũ trẻ đến cổng trường tôi lại đọc thêm một mẩu giấy dán ở cửa kính “Chú ý, cô Betty và Lisette đang đứng ngay lối vào sân trường để đón học sinh, hãy ôm hôn cảm ơn và tạm biệt họ nhé”. Cũng nhờ thông báo này tôi biết mặt cô Betty và cô Lisette.

Rồi lũ trẻ khóc như ri! Khung cảnh buổi sáng đầu tiên trở lại trường có phần náo loạn. Nhiều bé lớp mẫu giáo quên nếp cũ, khóc đấy rồi cười ngay đấy khi thấy nhiều đồ chơi trong lớp.

Cô mẫu giáo đúng kiểu bảo mẫu, thân hình đẫy đà, mặt bầu bĩnh và hai má đỏ ửng lên vì di chuyển nhiều. Trong khi đó, thầy cô bậc tiểu học vất vả nhận diện lũ học trò lớp 5 lớp 6 chỉ sau hai tháng hè đã trổ giò vun vút (bậc tiểu học ở Bỉ quy định hết lớp 6).

Và tiếp tục một năm thầy cô cùng học trò hối hả chuẩn bị quà cho Ngày của mẹ, Ngày của bố. Năm học trước, quà cho bố của bé Tô 3 tuổi nhà tôi là hình ảnh một “ông bố trẻ con” do chính bé sắm vai. Tô bước ra khỏi lớp với bộ râu quai nón đen sì và cà vạt lịch lãm trước ngực, đĩnh đạc tặng bố chiếc khăn mùi xoa nho nhỏ.

Còn ba năm trước, trong Ngày của mẹ, bé Kate khi ấy 7 tuổi, được cô giáo phát cho một phần quà rồi vẫn ngập ngừng chưa đi. “Cô ơi, nhưng cháu có hai mẹ cơ, một mẹ đẻ và một mẹ kế”. Thế là cô giáo vui vẻ đưa cho Kate một phần quà nữa. Từ đó, vào Ngày của mẹ hằng năm, Kate luôn được cô giáo đưa cho hai món quà.

(Theo Kiều Bích Hương/Tiền phong)