Nhà đồng sáng lập Twitch, Justin Kan là game thủ nhiều kinh nghiệm. Nhiều năm lặn lội trong không gian mạng, anh nhìn nhận thấy những xu hướng tất yếu của công nghệ để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Ở thời điểm hiện tại, Justin Kan tin vào tương lai của NFT và cách chúng trao cho game thủ cơ hội trở thành những nhà đầu tư.
Danh sách những lý lẽ của Justin Kan, xuất hiện trong bài viết này, có lẽ không đủ để thuyết phục đại bộ phận cộng đồng. Suy cho cùng, quyết định liên quan tới ví tiền, cả thật lẫn ảo, đều yêu cầu sự cẩn trọng tuyệt đối. Nhưng điều này cũng có nghĩa, quyết định tài chính của các tập đoàn công nghệ tiếng tăm sẽ là cơ sở để một nhà đầu tư tự quyết.
Một loạt những cái tên lớn đã lên kế hoạch phát triển một vũ trụ số với đa dạng nội dung. Việc ứng dụng NFT - một loại tài sản số giá trị có thể được sở hữu như tài sản vật lý - dường như là một ứng dụng tất yếu cần có trong một vũ trụ ảo, nơi có thể tồn tại một nền kinh tế mở cho phép người chơi trao đổi qua lại.
Đây là một số công ty công nghệ đã đang ứng dụng NFT, đầu tư tiền tỷ vào phát triển vũ trụ số.
Nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới thậm chí còn đổi cả tên để chứng minh tham vọng phát triển metaverse. Thay vì xây dựng một nền tảng mạng xã hội đơn thuần, Meta muốn tạo ra một thế giới ảo mà tại đó, người dùng có thể liên lạc, tương tác, mua sắm, giải trí và làm việc. Tất cả hoạt động này đều được thực hiện trong môi trường 3D, với người dùng sử dụng các thiết bị VR để bước vào metaverse.
Dù làm rúng động thị trường bằng việc mua lại một loạt những công ty game lớn (Bethesda, Activision Blizzard), không ai ngạc nhiên khi Microsoft đầu tư tiền tỷ vào thực tế hòa quyện - một nền tảng trộn lẫn thực tế ảo và thực tế tăng cường. Họ ngày một hoàn thiện Microsoft Mesh, cho phép người dùng sử dụng các bản thể (avatar) ảo để tương tác, bên cạnh đó còn làm phần cứng HoloLens 1 và 2 để hậu thuẫn người dùng sử dụng không gian ảo.
Trả lời phỏng vấn Axios, chủ tịch mảng Xbox của Microsoft, ông Phil Spencer đưa ra một số nhận định cho thấy hướng đi của Microsoft trong ứng dụng NFT.
“Tôi muốn nói điều này về NFT, tôi nghĩ quanh nó có rất nhiều suy đoán và thử nghiệm đang diễn ra, một số ứng dụng tôi thấy lại mang tích lợi dụng người chơi hơn là nghiêng về giải trí”, Phil Spencer nhận định về tình hình NFT hiện tại, tuy nhiên, ông nói thêm:
Phil Spencer không khẳng định Microsoft sẽ gạt bỏ ý định ứng dụng NFT trong tương lai, và ắt sẽ cân nhắc nếu thấy thứ tài sản số này có lợi cho nhà phát triển cũng như game thủ.
Tuy bất thành, Ubisoft là vẫn là cái tên đầu tiên tìm cách ứng dụng NFT vào game. Giữa năm ngoái, Ubisoft công bố dự án Quartz nhằm phân phối NFT cho người chơi. Sử dụng blockchain phi tập trung, Ubisoft hứa hẹn Quartz sẽ mang lại cho người chơi “quyền kiểm soát chưa từng có”, biến người chơi thành “cổ đông của tựa game”.
Tuy nhiên, Ubisoft chưa biết tận dụng hết lợi thế mà NFT mang lại, khiến dự án Quartz của họ mang dáng dấp của skin biến tướng. Cộng đồng so sánh chợ NFT của Ubisoft với những chợ vật phẩm game đã tồn tại từ cả thập kỷ trước, trong những tựa game đã đi vào huyền thoại như Runescape hay Diablo; nhìn vào dự án Quartz, game thủ không thấy được sự hấp dẫn nơi NFT.
Việc Ubisoft áp đặt một loạt hạn chế lên những vật phẩm NFT do mình phát hành càng khiến yếu tố “phi tập trung” nhạt nhòa, và dự án Quartz không thể chạm tới tiềm năng vốn có của thị trường vật phẩm ảo.
Tập đoàn phần cứng khổng lồ nhắm tới việc cung cấp bộ công cụ kiến tạo metaverse. Với Omniverse, một phần mềm ứng dụng điện toán đám mây sẽ được sử dụng trong dựng ứng dụng 3D, sẽ giúp các nghệ sĩ, các lập trình viên hay bất cứ ai có kiến thức vi tính có thể tham gia tạo nội dung cho metaverse. NVIDIA sẽ là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng để người dùng tự gây dựng metaverse.
Omniverse là bộ công cụ sáng tạo và cũng là nền tảng mở sẽ đề cao ý tưởng metaverse là mái nhà ảo được xây dựng bởi tất cả các người dùng, chứ không phải bởi một công ty duy nhất. Nó sẽ mở lối dẫn tới nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất cho tới giải trí.
CEO của EA, ông Andrew Wilson gọi NFT và game “play-to-earn” là “tương lai của ngành công nghiệp”. Tuy nhiên, ở thời buổi bình minh của game “chơi để kiếm lời”, ông Wilson thừa nhận vẫn còn sớm trong việc tìm cách ứng dụng cơ chế mới vào game.
Tuy EA chưa chính thức bước chân vào ứng dụng NFT vào game, thậm chí trì hoãn kế hoạch do nhận phản ứng trái chiều từ cộng đồng, EA vẫn tỏ ý kiên định với kế hoạch của mình.
Ông tiếp lời: “Liệu những thứ đó có bao gồm NFT và blockchain, chúng tôi sẽ cân nhắc. Chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ đem tới những trải nghiệm tốt nhất cho người chơi, và vì vậy chúng tôi sẽ đánh giá kế hoạch trong tương lai. Hiện tại, [NFT và game blockchain] không phải thứ được chú trọng quá nhiều”.
Với tư cách nhà phát hành dòng game Dark Souls đình đám, và mới đây nhất là bom tấn Elden Ring rất được lòng cộng đồng, Bandai Namco đang có trong tay những nội dung game hàng đầu. Để tận dụng lợi thế này, nhà phát hành tới từ Nhật Bản công bố “Chiến lược Trục Sở hữu Trí tuệ”, trong đó nêu bật việc sáng tạo một “IP Metaverse”, kết nối những tựa game họ đang có về một vũ trụ ảo, làm sân chơi chung cho cộng đồng.
Để hiện thực hóa giấc mơ IP Metaverse này, Bandai Namco đầu tư tới 130 triệu USD vào phát triển công nghệ và nội dung cho vũ trụ ảo. Kế hoạch dự tính kéo dài từ tháng 4/2022 cho tới tháng 3/2025 ghi rõ: “Trong IP Metaverse, chúng tôi sẽ gây dựng không gian ảo cho phép khách hàng tận hưởng đa dạng những mô hình giải trí nằm trên một khối trục, đồng thời tận dụng lợi thế của Bandai Namco trong hòa quyện sản phẩm thực tế với yếu tố kỹ thuật số”.
Họ khẳng định đây sẽ là không gian kết nối người chơi với nhau, và cũng là nơi Bandai Namco liên kết với các đối tác làm ăn trong tương lai. Trong vòng 3 năm tới, Bandai Namco sẽ tập trung phát triển một cơ sở dữ liệu lớn cho IP Metaverse của mình.
Những tựa game online của thời điểm hiện tại đều có một điểm chung: mọi vật phẩm (hay có thể gọi là dữ liệu game) đều tập trung trong tay nhà phát triển, đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất mọi thứ một khi nhà phát triển quyết định dừng phát hành game. Mọi tài sản số bạn kiếm được sẽ bị yếu tố “tập trung” xóa bỏ.
Tuy nhiên, khi tài sản số được nhà phát triển phân phát dưới dạng NFT, được lưu trên những mạng lưu trữ phi tập trung, bạn sẽ vẫn chứng minh được quyền sở hữu tài sản số đó ngay cả khi nhà phát triển không còn hỗ trợ game nữa. Người chơi sẽ toàn quyền mang số tài sản này bạn trên những chợ vật phẩm ngoài, hay lưu giữ nó như một phần của bộ sưu tập có giá trị.
Với một nhà phát triển biết làm game, sở hữu tiềm năng hỗ trợ game lâu dài, tuổi thọ một game có thể kéo dài tới hàng chục năm, ngay cả khi xuất hiện những đối thủ cạnh tranh trực tiếp. World of WarCraft nay đã chạm tới dấu mốc 18 năm hoạt động; Diablo II: Resurrected - phiên bản làm lại đồ họa của tuyệt phẩm từ cả thập kỷ trước - vẫn sở hữu một phiên chợ bán đồ tấp nập người bán kẻ mua; Counter-Strike: Global Offensive, tựa game được cho là “con ghẻ” của Valve, vẫn tiếp tục sở hữu một thị trường vật phẩm ảo giá trị lớn và những giải đấu thu hút sự chú ý của cả cộng đồng.
Việc áp dụng NFT vào game như một cách nhà phát triển trao cho người chơi một cách kiếm lời từ thời gian đầu tư vào game. Ít nhất, họ sẽ lấy lại được một phần số vốn (cả tiền bạc lẫn thời gian) đã đầu tư vào game.
Hệ quả tất yếu của phát triển là đổi mới. Công nghệ blockchain nổi lên như một cách mới cho phép người dân sở hữu một đồng tiền riêng, không liên đới tới những tổ chức tài chính tập trung. NFT cũng vậy, đây là một cách người chơi sở hữu những giá trị ảo có thể quy đổi thành giá trị thực, không liên đới tới những nhà phát hành game nữa.
Khi những tài sản số được lưu trên phương tiện lưu trữ điện tử, có thể được truy xuất một cách chính xác để xác định chủ sở hữu tài sản, tính “phi tập trung” của tiền điện tử được nêu cao như một cách cho phép người dùng làm giàu trong nền kinh tế số, một nền kinh tế sinh ra từ đột phá của công nghệ.
Game blockchain, NFT trong game không đơn giản là những thuật ngữ “bắt tai” giúp nhà phát triển chạy theo xu hướng, chúng chính là xu hướng mới của công nghệ nói chung và ngành công nghiệp game nói riêng.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Big Tech "chảy máu" nhân tài vào các công ty blockchain
Theo CNBC, hàng loạt giám đốc cấp cao tại nhiều công ty công nghệ khổng lồ như Google, Facebook hay Amazon đã nghỉ việc và chuyển sang làm tại các công ty trong thế giới tiền điện tử.