Hải quan Vĩnh Phúc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa. Ảnh: Trường Khanh
Năm 2023 là năm thứ 2 liên tiếp Vĩnh Phúc thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. So với năm 2022, tăng 3 nhiệm vụ và có thêm nhiều chỉ tiêu mới, khó, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Cụ thể, trong 36 cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ về chuyển đổi số, có 3 sở được giao từ 20 chỉ tiêu, nhiệm vụ trở lên gồm Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở GDĐT; 16 sở, ngành và UBND 9 huyện, thành phố được giao từ 10 - 19 chỉ tiêu, nhiệm vụ; 8 đơn vị được giao dưới 10 chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Nhằm tạo hành lang pháp lý, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, HĐND tỉnh đã ban hành 1 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 1 chỉ thị, 6 quyết định và 12 kế hoạch.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số cụ thể, rõ người, rõ việc. Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và ký cam kết với từng phòng, ban chuyên môn. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo đơn vị trực tiếp kiểm tra, đôn đốc sát sao, kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ.
Năm 2023, trong số 36 sở, ngành, địa phương, có 8 đơn vị đạt tỷ lệ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao từ 90% trở lên; 12 đơn vị đạt tỷ lệ hoàn thành từ 80% đến dưới 90%; 14 đơn vị hoàn thành từ 50% đến dưới 80% và 2 đơn vị có tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ dưới 50%.
Đặc biệt, có 5 cơ quan hoàn thành 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ, tăng 3 đơn vị so với năm 2022, gồm Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kết quả trên góp phần quan trọng, giúp công tác chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục đạt nhiều dấu ấn nổi bật. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã hoàn thiện tính năng số hóa hồ sơ và kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh là 99,7%. 100% cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, một số cơ sở y tế đã triển khai thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho việc khai báo thẻ bảo hiểm y tế.
100% doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; 100% siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt… Đặc biệt, tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ít nhất mức 1) đạt tỷ lệ gần 90%; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tăng cao, một số lĩnh vực đạt 100%.
Vĩnh Phúc vinh dự là một trong 17 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Là cơ quan được giao thực hiện nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số nhất tỉnh, với 30 chỉ tiêu, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; tổ chức các hội nghị, hội thảo cập nhật kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành 26/30 chỉ tiêu, đạt 87%. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu đạt cao như: Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số; an toàn thông tin cho hơn 2.000 lượt cán bộ, cao gấp 5 lần so với chỉ tiêu giao; chỉ tiêu về tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập về an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, địa phương cao gấp đôi so với chỉ tiêu giao.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Trong đó, có sự mở rộng hơn về đối tượng; có thêm nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ khó hơn năm trước.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hằng quý hoặc đột xuất báo cáo tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá thực hiện các các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Đồng thời, đề xuất giải pháp tháo gỡ để sớm hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ chuyển đổi số của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực cán bộ, từ đó, có kế hoạch đào tạo, sử dụng phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới.
Theo Lê Minh (Báo Vĩnh Phúc)