Gần 7 vạn đồng bào thuộc 37 thành phần DTTS cư trú trên địa bàn Hà Nội đã và đang được hưởng thụ những giá trị của thành quả kinh tế - xã hội.

Thành quả này là nhờ thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều Chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi của Thủ đô. Xây dựng kế hoạch công tác đến toàn thể đội ngũ cán bộ. Duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả).

Đồng bào dân tộc Mường ở Ba Vì

Bên cạnh đó, Hà Nội luôn rà soát, triển khai nhiệm vụ công tác đến toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ Thành phố đến cơ sở, chủ động lồng ghép các nguồn lực để triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách đối với vùng miền núi, công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư để Nhân dân vùng DTTS biết, tham gia, quản lý. Thường xuyên đánh giá kết quả chính sách dân tộc đã ban hành để kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành mới các chính sách đặc thù phù hợp, nhất là các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, có giải pháp cụ thể về huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc; chú trọng hỗ trợ cho người dân vùng DTTS được vay vốn ưu đãi… tạo điều kiện cho đồng bào phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội được triển khai hiệu quả. Với kế hoạch, mục tiêu cụ thể, cách làm sáng tạo, việc thực hiện chính sách dân tộc của Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực. Các xã vùng DTTS, miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 12%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn khoảng 0,53%, thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc, miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (thuộc xã khu vực I). Công tác giáo dục luôn được quan tâm; giữ vững 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa phát động sôi nổi, rộng khắp...

Bước sang năm 2023, Thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo hiệu quả. Tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố và kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Ban Dân tộc thành phố Hà Nội. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc.

Nguyễn Hằng, Lê Nhung, Kiều Oanh, Hoàng Hiệp, Thục Anh