Những năm qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, qua đó tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp người dân ở khu vực khó khăn, người nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Theo kết quả phê duyệt rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND tỉnh Quảng Trị, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 14.040 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,71% và 9.927 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,45%. Tỷ lệ nghèo đa chiều huyện Đakrông giảm 4,31% tương ứng 386 hộ. Tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 6,74%, tương ứng 1.102 hộ. Đời sống sinh kế của người dân được cải thiện tích cực.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Trị ước cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,52% với 2.646 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,11% với 1.960 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,41% với 686 hộ.
Cùng với đó, tỷ lệ nghèo đa chiều huyện ĐaKrông giảm 5,83% với 640 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó giảm 530 hộ nghèo, tương ứng giảm 4,79%; giảm 110 hộ cận nghèo, tương ứng giảm 1,03%.
Theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND tỉnh Quảng Trị về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương năm 2024 thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kế hoạch vốn là hơn 92 tỷ đồng, trong đó: ngân sách dành cho dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo là hơn 70 tỷ đồng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là hơn 21 tỷ đồng.
Năm 2024, tỉnh chú trọng dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, các dự án, tiểu dự án triển khai trên địa bàn huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.
Tính đến tháng 7, tỉnh đã xây dựng được 68 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 18 dự án trồng trọt gồm cây gia vị, rau, đậu xanh, lạc, chuối, xoài, nhãn, cao su; 42 mô hình/dự án chăn nuôi: trâu, bò vàng Việt Nam, bò lai Sind, dê sinh sản, lợn, gà/vịt, cá. Ngoài ra, 2 mô hình lâm nghiệp, 6 mô hình phi nông nghiệp cũng được triển khai tại tỉnh Quảng Trị. Tổng cộng, Quảng Trị hiện có gần 1.700 hộ tham gia vào các mô hình sinh kế, giảm nghèo.
Tại huyện miền núi Hướng Hoá, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn hơn 22%, năm 2024, huyện quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 3 - 3,5%. Để thực hiện mục tiêu này, huyện xác định hiệu quả các mô hình sinh kế đóng vai trò quan trọng.
Tại xã Xy, huyện Hướng Hoá, từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã đã lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả để triển khai đến các hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Gia đình anh Hồ A Xa, thôn Ra Man, là một trong hàng chục hộ nghèo, hộ cận nghèo khác trong xã Xy được lựa chọn để triển khai mô hình nuôi dê. Từ 4 con dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình anh Xa đã sinh sản nhân đàn lên đến 20 con.
Anh chia sẻ, anh được hướng dẫn kỹ lưỡng về cách chăm sóc, phòng tránh bệnh tật cho đàn dê. Mô hình nuôi dê đã giúp gia đình anh Xa có nguồn thu nhập từ 15-20 triệu đồng mỗi năm, là chỗ dựa quan trọng để gia đình có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác như y tế, giáo dục... Niềm tin về hiệu quả kinh tế của mô hình giúp không chỉ anh Xa mà nhiều hộ nghèo tại huyện Hướng Hoá nỗ lực vươn lên, lạc quan trong mục tiêu thoát nghèo thời gian tới.
Ngoài việc được hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các mô hình cũng được tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ, dạy nghề, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất.
Ngoài hỗ trợ sinh kế tăng cơ hội việc làm tại chỗ cho người nghèo, cận nghèo, Quảng Trị cũng chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Năm 2024, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị phấn đấu giải quyết việc làm cho 12.500 lao động, trong đó, đưa 1.200 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉnh cũng đổi mới và tăng cường công tác truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm của người học, doanh nghiệp và xã hội đối với công tác giáo dục nghề nghiệp; phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho 9.000 người. Tỉnh này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,16%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33,5%.