Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và các cơ chế, chính sách... từ đó tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chương trình này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.

Hà Giang được xem là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức cuộc thi này. Cuộc thi diễn ra trong 3 tuần liên tục, bắt đầu từ giữa tháng 10/2024 thu hút trên 131.000 lượt người tham gia thi. Nhiều Đảng bộ đã tích cực triển khai, vận động người dân hưởng ứng tham gia cuộc thi như: Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Bắc Quang, Yên Minh, Xín Mần, Quản Bạ, Mèo Vạc, Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh...

trac nghiem HG.png
Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên Cổng TTĐT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Đặc biệt, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của các địa phương ngoài tỉnh như: TP Hà Nội, TPHCM, các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bến Tre, Đồng Tháp,... với tổng số 380 người dự thi. Qua đó cho thấy cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng khắp trên địa bàn cả nước, khẳng định hình thức truyền thông linh hoạt, đúng đắn, hiệu quả của tỉnh Hà Giang trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 qua hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến.

Với sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện truyền thông hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, công tác giảm nghèo thời gian qua của tỉnh Hà Giang đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,12% xuống còn 38,21%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,8 triệu đồng lên 31,7 triệu đồng/năm; cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Những kết quả này có sự đóng góp tích cực của công tác truyền thông, giúp xóa nghèo từ tư tưởng, nếp nghĩ, cách làm. Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của địa phương với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.