Ngày 29/12/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật Các tổ chức tín dụng về phát triển ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.
Trải qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, với sự kiên trì, quyết tâm cao, phát huy nội lực của NHCSXH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo cáo tóm tắt 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP, đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, 20 năm qua, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của đất nước. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay nối dài”, cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn. Hoạt động giao dịch tại 10.435 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước được tổ chức nền nếp, hiệu quả với phương thức “giao dịch tại nhà; thu nợ, giải ngân tại xã” là hoạt động đặc trưng, riêng có của NHCSXH…
Nhờ sự quan tâm của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.
Trong 20 năm qua, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.
Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.
Báo cáo tham luận tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ NHCSXH thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng nhằm giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Trong đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì tiền gửi 2% tại NHCSXH. Trong cơ cấu nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trên thị trường thì nguồn nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước đóng một vai trò rất quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong thời gian đầu khi NHCSXH mới đi vào hoạt động. NHNN cũng tái cấp vốn để NHCSXH có nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ, thông qua vốn tín dụng chính sách, đã giúp gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo từng thời kỳ: Giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7% cuối năm 2005, bình quân giảm 2%/năm; giai đoạn 2006 - 2010 từ 22% cuối năm 2005 xuống 9,45%, bình quân giảm 2,51%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, bình quân giảm 2%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 từ 9,88% xuống 2,75%, bình quân giảm 1,43%/năm; đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,23%.
Nguyễn Hằng, Lệ Yên, Kiều Oanh