Huyện Gia Viễn đã chọn thị trấn Me là đơn vị triển khai thực hiện mô hình, từ đó đánh giá kết quả thực hiện và từng bước nhân rộng ra các xã trên địa bàn huyện.
Sau gần nửa năm thực hiện mô hình tại thị trấn Me cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhân dân đồng thuận, phấn khởi thực hiện và yên tâm khi có một kênh tương tác chính thống trên môi trường số giữa chính quyền và người dân.
Là Bí thư Chi bộ phố Thống Nhất, thị trấn Me, mặc dù tuổi cao, ông Bùi Bằng Đoàn vẫn tích cực tìm hiểu và cài đặt ứng dụng Công dân số. Bởi theo ông, khi tìm hiểu nhận thấy, có rất nhiều thông tin, dữ liệu về dịch vụ công, tài khoản định danh điện tử VNeID, các hoạt động hỗ trợ người dân tìm kiếm mang lại tiện ích mới cho người dùng, đặc biệt tiện lợi khi không phải đến cơ quan công quyền mới thực hiện được.
"Trước khi đi vào thực hiện nhân rộng cho các công dân trong phố, đội ngũ cán bộ chủ chốt của phố, Tổ công nghệ số cộng đồng phố chúng tôi được tập huấn về phần mềm này. Sau khi nắm được những tính năng sử dụng, sự tiện lợi, cần thiết của ứng dụng, tôi gương mẫu cài đặt trước và cùng các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng gia đình để hướng dẫn, tuyên truyền người dân cài đặt ứng dụng. Đến nay, có trên 300 người, chiếm khoảng 50% công dân của phố đủ tuổi trưởng thành được hướng dẫn cài đặt và đã sử dụng thành thạo ứng dụng này", ông Đoàn cho biết.
Đối với bà Đinh Thị Minh Thiệp, phố Tiến Yết, sau khi được Tổ công nghệ số cộng đồng của phố hướng dẫn cài đặt thành công ứng dụng Công dân số - My Ninh Bình trên thiết bị di động thông minh, bà Thiệp đã nhanh chóng nghiên cứu cách sử dụng và tiếp cận với các tính năng của ứng dụng này.
"Tôi thấy ứng dụng rất tiện lợi trong cuộc sống khi được tích hợp đầy đủ các thông tin của cá nhân cũng như các dịch vụ kết nối với chính quyền, như: Tài khoản định danh điện tử VNeID; dịch vụ công; các hoạt động hỗ trợ người dân tìm kiếm địa điểm, thanh toán trực tuyến; các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình... Đặc biệt, tại ứng dụng có phần kết nối người dân - chính quyền, có mục riêng để người dân nêu phản ánh kiến nghị và lấy ý kiến người dân về các hoạt động của chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rất nhiều...", bà Thiệp bày tỏ.
Để góp phần lan tỏa giá trị của công cuộc chuyển đổi số đến với mọi người, thời gian qua, Đoàn thanh niên thị trấn Me đã tích cực tham gia cùng Tổ công nghệ số cộng đồng các phố hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng công dân số Ninh Bình, để tạo ra những giá trị mới. Anh Vũ Mạnh Tùng, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Me cho biết, hiện 100% các cán bộ và đoàn viên thanh niên thị trấn đã đi đầu, thực hiện cài đặt và sử dụng ứng dụng này.
Ông Phạm Ngọc Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Me cho biết: Là đơn vị được chọn triển khai thí điểm cài đặt ứng dụng Công dân số-My Ninh Bình, thị trấn Me đã xây dựng kế hoạch triển khai; đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân; phối hợp với VNPT Ninh Bình tập huấn cho các cán bộ chủ chốt các tổ dân phố, thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng về cách cài đặt, sử dụng ứng dụng, từ đó hướng dẫn nhân dân cách thực hiện.
Thị trấn đã thành lập 8 Tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 50 thành viên là bí thư chi bộ, trưởng phố, đoàn thanh niên thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn nhân dân cài đặt, quan tâm hơn đến các đối tượng là người cao tuổi, những người trình độ công nghệ còn có mức độ để động viên, khuyến khích cài đặt.
Với việc tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và bằng nhiều hình thức như tại các cuộc họp tổ dân phố, tuyên truyền trên loa phát thanh thị trấn, đặc biệt là đến tận nhà những gia đình có nhiều thành viên đủ 18 tuổi trở lên, làm các ngành, nghề cần sử dụng điện thoại thông minh để hướng dẫn cài đặt.
Toàn thị trấn bắt đầu triển khai từ giữa tháng 6/2023, kết quả đến giữa tháng 10/2023, đã có 1.200 người dân cài đặt thành công ứng dụng này, chiếm khoảng trên 30% dân số từ đủ 18 tuổi trở lên của thị trấn.
Đến nay, ứng dụng Công dân số-My Ninh Bình là phần mềm duy nhất trên môi trường số có khả năng hỗ trợ người sử dụng tiếp nhận và phản hồi các thông tin với cơ quan chính quyền.
Thay vì phải liên hệ trực tiếp tới từng ngành, đơn vị, địa phương, với phần mềm này, chỉ với một chiếc điện thoại cài đặt ứng dụng, sau vài thao tác đơn giản, người cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị trong huyện và người dân, doanh nghiệp đã có thể gửi phản ánh hiện trường, kiến nghị giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực khác nhau… đến chính quyền địa phương.
Qua thực tế gần 5 tháng triển khai thực hiện trên địa bàn thị trấn Me và một số địa phương của huyện Gia Viễn đã nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân. Đến nay, có gần 1.500 người ở độ tuổi trưởng thành thị trấn Me đã cài đặt và sử dụng ứng dụng Công dân số Ninh Bình.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Theo đại diện người dân, chính quyền địa phương, phần mềm thử nghiệm vẫn còn một số băn khoăn mà chính quyền và người dân mong muốn nhà cung cấp hoàn thiện tốt hơn. Ví dụ phần mềm có thể tích hợp cập nhật tình hình giao thông, các tiện ích khác như trả tiền điện, tiền nước...
Những ý kiến này của người dân thị trấn Me, huyện Gia Viễn cũng đang được tổng hợp để trong thời gian tới phần mềm được cải tiến, bổ sung hoàn thiện và đưa vào sử dụng một cách tối ưu nhất, thiết thực phục vụ người dân, trở thành cầu nối chính quyền-người dân tại các địa phương.
Theo Hạnh Chi (Báo Ninh Binh)