Thông tin về sự việc phó hiệu trưởng một trường THPT tại TP Thủ Đức - TP.HCM tát học sinh đến thủng màng nhĩ đang lan truyền trên mạng xã hội, gây chú ý nhiều người.
Sự việc trên diễn ra vào chiều 19/9 tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức). Thông tin từ phía nhà trường xác nhận có việc phó hiệu trưởng của trường tát học sinh nhưng chỉ ù tai chứ không thủng màng nhĩ như thông tin lan truyền trên mạng.
Nguyên nhân của sự việc là do trước đó, một nam sinh lớp 12 mặc đồng phục của trường hút thuốc lá điện tử và đăng lên mạng xã hội. Vào chiều 19/9, thầy phó hiệu trưởng của trường có mời học sinh này vào làm việc.
Lúc đầu em chối cãi, khẳng định không sử dụng thuốc lá điện tử khiến cho thầy phó hiệu trưởng tức giận. Do không thể kiềm chế được, thầy đã giơ tay tát vào má em học sinh này. Sự việc ngay sau đó đã được trình báo tới lãnh đạo nhà trường.
Vụ việc gây phản ứng trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, đây không phải trường hợp đầu tiên giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh gây phẫn nộ dư luận.
Trước đó, vào ngày 11/8, trong tiết dạy ngoài giờ tại Trung tâm giáo dục hòa nhập BTX (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), một cô giáo đã tát liên tiếp vào mặt bé gái 2 tuổi.
Đáng lưu ý, bé gái bị chậm nói nên gia đình cho con đi học can thiệp tại Trung tâm giáo dục hòa nhập BTX từ cuối tháng 2/2023. Cuối tháng 8, con từ lớp trở về với khuôn mặt đỏ, sợ hãi. Tại buổi làm việc với nhà trường, sau khi kiểm tra camera thì phát hiện bé gái bị cô giáo tát liên tiếp vào mặt.
Theo bản tường trình cô L.L.T viết, sự việc xảy ra vào hôm 11/8, trong tiết dạy ngoài giờ kéo dài một tiếng đồng hồ.
“Trong quá trình dạy, tôi mất kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi cá nhân do áp lực về mục tiêu bài dạy đề ra nên đã không kiềm chế được và có tác động vào trán trẻ mấy lần với lực tay hơi mạnh”, cô T tường trình.
Chiều 23/9, trao đổi với phóng viên VietNamNet về vấn đề này, Nhà giáo, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, học sinh vi phạm những nội quy, quy định về lối sống, nếp sống, quy chế học tập thường xuyên xảy ra.
“Nó như cơm bữa mỗi ngày và có chuyện đó mới gọi là nhà trường. Nhà trường là tập trung toàn bộ lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”- theo tâm lý học là tuổi dậy thì.
Trong khi bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề trên mạng xã hội cũng tác động đến lối sống của trẻ. Tôi được biết, hiện các nhà trường đang tăng cường giáo dục. Nhưng kinh nghiệm của tôi phải tăng cường giáo dục, hướng dẫn giúp đỡ các con. Nếu vi phạm phải kiên trì giáo dục, phối hợp với cha mẹ”, thầy Hoà nói.
Với thầy cô giáo, theo TS. Văn Hoà, điều quan trọng nhất là phải biết quản lý cảm xúc. Ông từng nhiều lần nói trên truyền hình cũng như giáo viên trong trường nơi ông công tác rằng: “Giáo viên phải được trải qua khoá giá trị sống. Giáo viên phải được nâng cao nhận thức về tâm lý học”.
“Nhận thức tâm lý học ở đây chủ yếu là biết quản lý cảm xúc của mình. Biết cách xử trí các tình huống hàng ngày xảy ra ở các nhà trường và thầy hiệu trưởng phải là người đi đầu trong việc đó - phải trở thành nhà tâm lý, nhà giáo dục chứ không chỉ là thầy giáo quản lý”, thầy Hoà thông tin.
Tại buổi gặp mặt của Bộ trưởng Bộ GD &ĐT với đội ngũ nhà giáo toàn quốc mới đây, thầy Hoà cũng đã đề nghị Bộ trưởng phải có kế hoạch và chủ trương đưa tâm lý học vào trong nhà trường mạnh hơn nữa.
Theo đó, các trường không nên chỉ biên chế 1 nhân viên làm tư vấn học đường mà phải có chương trình nâng cao nhận thức về tâm lý cho các thầy cô giáo, thậm chí cả các thầy cô hiệu trưởng.
“Đây mới là điều quan trọng. Hiện nay trên thế giới đang có xu hướng xây dựng trường học theo mô hình trường học hạnh phúc. Bản thân tôi cũng đang phối hợp với Cục Nhà giáo tổ chức hội thảo trường học hạnh phúc trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu chúng tôi muốn đưa ra là làm sao để xây dựng được môi trường trường học hạnh phúc.
Theo chương trình, tại hội thảo ban tổ chức sẽ đưa ra những khái niệm về trường học hạnh phúc, làm thế nào để xây dựng được trường học hạnh phúc và hãy xây dựng trường học hạnh phúc từ những việc các trường có thể làm được ngay.
Ví dụ như việc phòng chống bạo lực học đường, chấm dứt kỷ luật hà khắc. Ở đó thầy cô giáo phải được học các khoá học về giá trị sống, được học nâng cao nhận thức về tâm lý học để thay đổi bản thân và quản lý cảm xúc của mình. Tôi nghĩ những việc đó có thể làm ngay được. Từ đó mới giảm dần tình trạng bạo lực học đường. Bởi bạo lực học đường là vấn đề xã hội, không thể nói giảm là giảm ngay”, thầy Hoà nhấn mạnh.
Theo ông, các thầy cô giáo không quản lý được cảm xúc thì chính họ phải chịu trách nhiệm với bản thân, với nhà trường và xã hội. Để tránh điều này, các thầy phải học, phải thay đổi không nên chủ quan với quan niệm giáo dục gắn kỷ luật hà khắc.