Tại Hội thảo "Tác động của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ" vừa tổ chức hôm 23/4, TS. Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III khẳng định: “Hiệp định CPTPP có tính toàn diện, nhiều tiến bộ hơn so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia trước đó. Việc thực hiện và bảo đảm các cam kết của Hiệp định CPTPP đã, đang và sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam nói chung và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện Hiệp định đang đối mặt với những thách thức về khả năng đáp ứng những cam kết về thể chế và pháp lý, quy tắc xuất xứ hàng hóa, môi trường, sở hữu trí tuệ và hàng loạt các hàng rào kỹ thuật khác cũng như cạnh tranh tại các thị trường có cơ cấu kinh tế và thương mại tương đồng khốc liệt hơn”.

{keywords}
Nha Trang, Đà Nẵng là những trung tâm du lịch lớn của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Nhận định về những thách thức đối với khu vực kinh tế tư nhân, ThS. Chế Viết Trung Thu (Học viện Chính trị Khu vực III), cho biết CPTPP đề ra những tiêu chuẩn cao hơn, mới so với các FTA thế hệ cũ trước đây bao gồm cả về tiêu chuẩn tự do hóa-mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và tiêu chuẩn bảo vệ quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư nước ngoài, các vấn đề thương mại điện tử, viễn thông, sở hữu trí tuệ… Chính vì vậy, quá trình thực thi các cam kết từ Hiệp định này sẽ khiến các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn.

“Đặc biệt, trong quá trình thực thi các cam kết đó đòi hỏi nguồn lực lớn nhưng hiện nay đa số các sơ sở sản xuất của khu vực kinh tế tư nhân có quy mô vừa và nhỏ nên việc tuân thủ đầy đủ quy định về điều kiện kinh doanh, hàng hóa có chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các quy định về bảo vệ môi trường, quy định về tiêu chuẩn của người lao động… đây sẽ là vấn đề trở ngại lớn đối với khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới”, ThS. Chế Viết Trung Thu chia sẻ.

Bên cạnh đó, ThS. Chế Viết Trung Thu cho biết khu vực kinh tế tư nhân tại duyên hải Nam Trung Bộ cũng còn hạn chế về tính liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tìm kiếm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất còn phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường truyền thống. Ngoài ra còn là thách thức về chất lượng lao động và năng suất lao động, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt đối với các thương hiệu nổi tiếng.

Theo ThS. Chế Viết Trung Thu, các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tư nhân cần chủ động liên kết, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP.

“Các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tư nhân cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo từng lĩnh vực nhằm thay đổi, thích ứng với thị trường quốc tế các sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo lộ trình cam kết của Hiệp định CPTPP. Nếu làm tốt khâu này, hàng hóa các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng với mức thuế quan thấp và cũng là cơ hội khắc phục được trình trạng xuất khẩu thô, làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài với phần giá trị thu được không cao”, ông Thu nói.

Bên cạnh đó, ông Thu đề xuất Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.

Cụ thể, Nhà nước cần có chính sách, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo sự bình đẳng khi tiếp cận các nguồn lực và thị trường; khuyến khích và bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền; bảo vệ môi trường, chống sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng... đặc biệt là các quy định về sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở khu vực kinh tế tư nhân hoạt động kinh doanh.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài để phát triển bền vững nền kinh tế trong vùng, đó là liên kết các trường trong vùng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ đối với người lao động mà cả cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp ở các ngành kinh tế có thế mạnh của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. “Nguồn nhân lực các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ về cơ bản rất dồi dào, đồng đều về học vấn, có ham muốn học tập và tiến bộ trong công việc, vì vậy các tỉnh cần có chính sách hướng nghiệp thật rõ ràng, tập trung vào những ngành nghề có thế mạnh như công nghiệp, năng lượng, vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao”, ông Quang nói.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác là tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, các hạ tầng kết nối giao thông đến các kho hàng sân bay, cảng biển… để phát triển các ngành công, nông nghiệp chế biến sâu, thúc đẩy hình thành ngành logistics rất có tiềm năng, lợi thế đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

“Định hướng giải pháp này đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ chính là một khâu đột phá chiến lược để tạo nên liên kết chuỗi giá trị trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hệ thống các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh ở các địa phương kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật cảng biển, sân bay sẽ là lợi thế rất lớn thu hút các dòng vốn đầu tư từ các nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với các giải pháp về tạo môi trường đầu tư, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kinh tế-xã hội sẽ giúp các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ tạo được lợi thế trong cạnh tranh hội nhập theo yêu cầu của Hiệp định CPTPP”, TS. Nguyễn Ngọc Quang khẳng định.

Khánh Hòa