Tổng quan về ngành công nghiệp phần mềm
Năm 2016, doanh thu của lĩnh vực công nghiệp phần mềm đạt khoảng 3 tỷ USD với mức tăng trưởng 16,8% so với năm 2015. Đây là tốc độ tăng trưởngnhanh, cho thấy tiềm năng to lớn của ngành phần mềm tại Việt Nam.
Song song với đó, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp phần mềm trong nước cũng đã được cải thiện đáng kể. Tính đến hết năm 2016, Việt Nam đã có 05 doanh nghiệp phần mềm đạt chứng chỉ CMMI mức 5 và 19 doanh nghiệp phần mềm có chứng chỉ CMMI mức 3, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng các công ty đạt được chứng chỉ này.Việt Nam đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với gia công phần mềm và cung cấp các dịch vụ thuê ngoài. Các chỉ số đánh giá của quốc tế đối với lĩnh vực gia công phần mềm vẫn ở mức tích cực. Năm 2016, Việt Nam xếp thứ 11/55 các quốc gia về dịch vụ gia công, xếp thứ 5 trong Đông Nam Á;đồng thời, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục lọt vào top 20 thành phố hấp dẫn nhất về dịch vụ gia công năm 2016.
Hiện trạng xây dựng và triển khai giải pháp phần mềm thương hiệu Việt trong một số lĩnh vực lĩnh vực
Không chỉ gia công cho các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung vào đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Trong bối cảnh phát triển chung của nhiều xu thế công nghệ (CMCN4.0, Kinh tế số, …), kèm theo nhu cầu hiện đại hóa, thể hiện vai trò kiến tạo của Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đã tạo ra dư địa ngày càng rộng lớn cho các sản phẩm phần mềm thương hiệu Việt. Bài báo sẽ tập trung vào điểm qua vai trò của cácgiải pháp phần mềm trong một số lĩnh vực cụ thể bao gồm giáo dục đào tạo, y tế, an ninh quốc phòng, và các ngành kinh tế.
Giáo dục và đào tạo
Công tác ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi tối đa cho người dân. CNTT đã góp phần rút ngắn khoảng cách trong giáo dục giữa các vùng miền thông qua việc kết nối Internet tới các cơ sở đào tạo.
Ứng dụng các giải pháp phần mềm, đặc biệt là phần mềm trong nước đã được triển khai mạnh mẽ trong công tác quản lý giáo dục. Hiện nay đã có khoảng 70% các trường học áp dụng các hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến, tập trung dữ liệu đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý điều hành, tiết kiệm chi phí và nhân lực. Hệ thống thông tin quản lý giáo dục (EMIS) đã được triển khai tới gần 50.000 trường học, phòng GDĐT, sở GDĐT và kết nối dữ liệu về Bộ GDĐT định kỳ 3 lần/ năm. Hệ thống quản lý bậc tiểu học theo mô hình trực tuyến đã được triển khai đến 16.000 trường tiểu học, các phòng GDĐT, sở GDĐT và Bộ GDĐT. Hệ thống hỗ trợ công tác kiểm định chất lượng giáo dục trực tuyến đã được triển khai trong các trường mầm non của cả nước. Hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, chống mù chữ (PCGD CMC) đã được triển khai trên toàn bộ 16.000 ban chỉ đạo PCGD CMC từ cấp xã đến cấp Trung ương với cơ sở dữ liệu của khoảng 70 triệu người dân trong độ tuổi PCGD được lưu trữ tại địa chỉ http://pcgd.moet.gov.vn. Toàn bộ thông tin liên quan đến các kỳ thi đều được cung cấp đầy đủ, rộng khắp, công khai minh bạch tại địa chỉ http://thi.moet.edu.
Đối với công tác giảng dạy, việc ứng dụng phần mềm đổi mới công tác giảng dạy được giáo viên, kể cả giáo viên ở các vùng khó khăn, thực hiện thường xuyên mang lại hiệu quả thiết thực. Số giáo viên trong toàn ngành (khối mầm non, phổ thông) có thể ứng dụng phần mềm đổi mới phương pháp dạy học trên lớp học (sử dụng phần mềm trình chiếu và các phần mềm dạy học khác) đạt tỷ lệ 65%. Trong đó, số giáo viên có khả năng thiết kế bài giảng e-Learning đạt tỷ lệ 19%. Cổng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trực tuyến (e-Learning) đã được triển khai tại địa chỉ http://taphuan.moet.edu.vn cung cấp các bài giảng điện tử, tài liệu học tập, diễn đàn thảo luận nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí và thời gian lên lớp.
Y tế
Ứng dụng phần mềm trong lĩnh vực y tế thời gian qua đã có những bước chuyển đổi lớn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những hạ tầng và phần mềm cơ bản đã được Bộ Y tế xây dựng phục vụ công tác quản lý điều hành như cổng thông tin điện tử, hệ thống trao đổi văn bản, quản lý điều hành, hộp thư điện tử công vụ. Ngoài ra, cần kể tới các giải pháp phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua cổng thông tin điện tử, đường dây nóng tiếp nhận thắc mắc người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 100% mức độ 2, 37/269 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thuộc các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, môi trường y tế, dược, khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế… Ứng dụng phần mềm chuyên ngành đã và đang giải quyết được những bài toán lớn, tổng thể, trao đổi dữ liệu được với nhau như Hệ thống khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Một số giải pháp thương hiệu Việt cũng đã bước đầuđáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cao trong các hoạt động khám, chữa bệnh như chụp cắt lớp, mổ nội soi, khám chữa bệnh từ xa được xem là công cụ hữu hiệu góp phần triển khai dự án bệnh viện vệ tinh nhằm kết nối với các bệnh viện tuyến dưới, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
An ninh, quốc phòng
Ứng dụng CNTT trong lực lượng an ninh - quốc phòng được đẩy mạnh, tạo tiền đề góp phần xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Từng bước xây dựng hệ thống tự động hóa chỉ huy, kiểm soát, làm chủ, cải tiến vũ khí, khí tài và phương tiện chiến đấu; đảm bảo an ninh quốc gia; sẵn sàng, chủ động đối phó với chiến tranh thông tin hiện đại.
Ứng dụng,sử dụng các phần mềm trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là phục vụ công tác chỉ huy, tác chiến, quản lý, điều hành đã được quan tâm, đẩy mạnh. Bộ Quốc phòng đã lựa chọn, tập trung xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa các phần mềm phục vụ công tác chỉ huy, tác chiến, quản lý, điều hành theo hướng phần mềm dùng chung, triển khai trên mạng máy tính quân sự. Một số hệ thống, phần mềm đã được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin chỉ đạo, hệ thống thư điện tử quân sự, phần mềm quản lý trang bị CNTT toàn quân, phần mềm quản lý quân nhân ngành CNTT, phần mềm quản lý đảm bảo kỹ thuật, phần mềm chống virus dùng riêng cho quân sự... Phần mềm và cơ sở dữ liệu Tri thức quân sự Việt Nam phục vụ tìm kiếm tri thức quân sự trên mạng máy tính quân sự đã được xây dựng và đưa vào khai thác. Mạng xã hội thanh niên quân đội đã được triển khai tạo môi trường lành mạnh để các quân nhân giao lưu, chia sẻ. Hệ thống truyền hình trực tuyến cũng đã được triển khai phục vụ công tác chỉ huy tác chiến, phòng, chống thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn… Các ứng dụng và cơ sở dữ liệu dùng chung của các ngành chính trị, hậu cần, kỹ thuật tiếp tục được xây dựng, cập nhật. Cơ sở dữ liệu liên quan đến quân sự, quốc phòng đang được số hóa, từng bước phổ biến trên mạng máy tính quân sự.
Ứng dụng CNTT trong lực lượng công an nhân dân đã được Bộ Công an triển khai mạnh mẽ và đạt được các kết quả đáng kể. Toàn ngành công an đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống mạng máy tính dùng riêng để quản lý tập trung, thống nhất; triển khai có hiệu quả nhiều phần mềm và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác. Công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng được chú trọng với việc đầu tư các hệ thống và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, cùng với đó là những quy định, quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bộ Công an đã từng bước triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đến nay hầu hết đạt mức độ 2, một số dịch vụ đạt mức độ 3 như quản lý xuất nhập cảnh, quản lý đăng ký lưu trú, phương tiện giao thông, giấy chứng minh nhân dân. Nhiều ứng dụng CNTT phục vụ công tác nghiệp vụ công an đã và đang được triển khai như: Quản lý văn bản điều hành, quản lý hồ sở đối tượng, hồ sơ vụ án, quản lý phạm nhân, quản lý hộ khẩu, quản lý tài sản công, quản lý cán bộ...
Các ngành kinh tế
Trong thời gian qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp trong nước cung cấp giải pháp phần mềm trong các ngành, lĩnh vực kinh tế của đất nước, trở thành yếu tố rất quan trọng trong hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: Tài chính, thuế, kho bạc, kiểm toán, ngân hàng, hải quan, hàng không, viễn thông, giao thông vận tải, quản lý đất đai…
Một số hệ thống thông tin chuyên ngành có quy mô quốc gia đã được triển khai và đưa vào sử dụng để cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; trả lương, chuyển tiền, thanh toán qua thẻ của ngành ngân hàng, góp phần hạn chế việc sử dụng tiền mặt, tiết kiệm thời gian, chi phí và tiến tới tăng cường minh bạch trong các giao dịch, giảm nguy cơ tham nhũng. Hệ thống khai báo thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân qua mạng, thông quan điện tử của ngành tài chính giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hoá...
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hệ thống thông tin về khuyến nông, hỗ trợ nông dân giới thiệu sản phẩm qua Chợ thương mại điện tử và hàng nông lâm thủy sản Việt Nam đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai các hoạt động ứng dụng phục vụ công tác quản lý ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hệ thống hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến địa phương đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong công tác phòng, chống thiên tai, chỉ đạo điều hành trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, phục vụ sản xuất, phòng, chống các loại dịch bệnh… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai thí điểm cơ chế Hải quan một cửa quốc gia của Bộ, trong đó sẽ triển khai cấp giấy phép xuất nhập khẩu các sản phẩm do Bộ quản lý cho người dân và doanh nghiệp.
Trong các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, ứng dụng phần mềm cũng đã được đầu tư mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư và áp dụng thành công các hệ thống quản lý, quản trị doanh nghiệp, đồng thời đã nắm bắt xu thế phát triển của thương mại điện tử, Internet để quảng bá thương hiệu và sản phẩm, mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh và tăng doanh thu, lợi nhuận.
Kết luận
Hiện nay, gia công phần mềm vẫn đang chiếm một vị trí quan trọng do Việt Nam có nhiều ưu thế so với các quốc gia khác. Một trong các lợi thế quan trọng đó là chi phí nhân công cạnh tranh. Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, chi phí nhân công có thể sẽ không còn là lợi thế khi mà các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường gia công phần mềm quốc tế. Mặt khác, nhu cầu ứng dụng phần mềm trong nước sẽ tăng cao trong những năm tới.Do vậy, Đảng và Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có môi trường tốt sáng tạo ra các sản phẩm phần mềm thương hiệu Việt, đủ sức đáp ứng được nhu cầu trong nước về cả số lượng và chất lượng.