Chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các Đề án của Chính phủ và góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm nay, chuỗi sự kiện bao gồm các hoạt động: cuộc thi “Nhà ngân hàng tương lai năm 2023”, triển lãm gian hàng “Ngân hàng GenZ”, với sự tham gia của khoảng 30 tổ chức tín dụng, talkshow “GenZ khởi nghiệp trong kỷ nguyên số”...
Phát biểu tại Vòng Chung kết cuộc thi “Nhà ngân hàng tương lai năm 2023”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Cuộc thi “Nhà ngân hàng tương lai” được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 tại Học viện Ngân hàng, nhằm tạo sân chơi cho các sinh viên có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, đồng thời, cũng giúp các sinh viên có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, từ đó, có thể học hỏi và phát triển bản thân để trở thành những nhà lãnh đạo ngân hàng tương lai.
"Để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tôi đánh giá cao sáng kiến của Vụ Truyền Thông - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nỗ lực phối hợp của Học viện Ngân hàng trong việc tổ chức Chuỗi sự kiện cuộc thi “Nhà ngân hàng tương lai 2023", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Anh nói.
"Đây là chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước đến nay về truyền thông giáo dục tài chính dành cho sinh viên và giới trẻ, không chỉ dành riêng cho sinh viên ngành ngân hàng mà còn rất nhiều sinh viên các trường đại học khác, nhiều lĩnh vực khác nhau”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Ban tổ chức kỳ vọng bên cạnh việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng về tài chính ngân hàng, đầu tư, khởi nghiệp… thông qua cuộc thi “Nhà ngân hàng tương lai 2023” hay chương trình talkshow “GenZ khởi nghiệp trong kỷ nguyên số”, chuỗi sự kiện sẽ mang đến cho các bạn trẻ trải nghiệm sử dụng các tiện ích, sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại tại chương trình triển lãm “Ngân hàng GenZ”.
Với mục tiêu đổi mới sáng tạo, bên cạnh các vấn đề liên quan thiết thực tới người dân như hướng dẫn các kỹ năng thanh toán không dùng tiền mặt, các kiến thức, quy định về tiết kiệm, vay vốn, Vụ Truyền thông của Ngân hàng Nhà nước đã lồng ghép kiến thức về các sản phẩm đầu tư như bảo hiểm, trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi... mà dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Vụ Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm truyền thông trên nền tảng mạng xã hội và nền tảng số liên quan đến giáo dục tài chính; góp phần nâng cao dân trí tài chính, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Theo đại diện Vụ Truyền thông, việc truyền thông giáo dục tài chính cho người dân là 1 xu hướng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm tăng cường tính minh bạch thông tin, hiểu biết về tài chính, minh bạch hóa pháp luật với người dân. Ngân hàng trung ương các nước cũng xác định nhóm đối tượng quan trọng trong chiến lược giáo dục tài chính toàn diện là giới trẻ. Đồng thời, cách thức truyền thông là lựa chọn các xu hướng truyền thông dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo và từ giới trẻ sẽ lan tỏa ra cộng đồng.