Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về cách mạng 4.0
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội; xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp.
Nghị quyết về cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam vươn lên. |
Bộ Chính trị cũng lưu ý, cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu tổng quát là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước.
Bình luận về việc ra đời Nghị quyết này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Việc ban hành Nghị quyết là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc triển khai Nghị quyết và đưa nghị quyết đó vào cuộc sống, để chúng ta tận dụng được những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra những động lực mới và tạo tiềm năng cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Để làm được điều đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, điểm đầu tiên cần phải làm vẫn là thể chế.
“Thể chế đầu tiên đương nhiên là pháp luật, và pháp luật ở đây theo tôi là pháp luật về dữ liệu, đây là điều rất quan trọng. Coi dữ liệu là một loại tài sản, và ở đó phải bảo vệ được quyền riêng tư của người dân, đảm bảo cho dữ liệu được thu thập, được truyền tải, được sử dụng, được quản lý phục vụ cho sự phát triển. Có lẽ trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này không thể thiếu dữ liệu cho nên thể chế về dữ liệu là điều đầu tiên chúng ta phải thiết lập”, ông Nguyễn Đình Cung nhận xét.
Ngoài ra, thể chế đó phải rất linh hoạt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thúc đẩy loại hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới, ngành nghề kinh doanh mới, sản phẩm mới xuất hiện.
“Đây là điểm thứ 2 tôi cho rằng rất quan trọng, khi mà những mô hình kinh doanh đó chúng ta chưa lường hết được thì chúng ta không nên có rào cản để ngăn chặn xuất hiện cái mới”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ, “Khi chúng ta chưa thực sự an tâm về sự xuất hiện cái mới thì có thể áp dụng mô hình thí điểm trong việc quản lý nhà nước. Từ đó tạo cho những mô hình kinh doanh mới, cách thức quản lý mới và sản phẩm mới được xuất hiện”.
Chuyển đổi số để bứt phá
Trong những cuộc trò chuyện với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Minh Quý, CEO của môt tập đoàn internet nhận xét: Trong 3 năm gần đây, chúng ta chưa bao giờ nghe nhiều đến vậy về chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0. Làm trong ngành này, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự rung chuyển ấy. Ví dụ Google, Facebook, trong năm nay tổng số các update cải tiến về sản phẩm mới của họ bằng cả 3 năm trước đây. Bởi vì họ đã qua giai đoạn phát triển theo chiều rộng về mặt “user” (người sử dụng) rồi, họ không thể tăng trưởng bằng việc tăng thêm user được mà buộc phải tăng trưởng thêm về chất, về sản phẩm, trí tuệ nhân tạo...
Kết quả là, tính riêng trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam bắt đầu xuất hiện những công ty công nghệ làm ra sản phẩm và bán được sản phẩm. Việt Nam đã có công ty với 2.000 người, tập trung làm sản phẩm công nghệ thực sự và mang lại doanh thu mỗi năm là 2 tỷ USD.
Điều đó có nghĩa cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho những DN cơ hội trở thành những unicorn, tức “start up Kỳ Lân tỷ USD”. Nếu đi theo con đường truyền thống, thì có khi phải mất hàng chục năm trời, thậm chí cả trăm năm mới có được doanh nghiệp tỷ đô. Nhưng với cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội bứt phá là rất rõ.
Tại nghị quyết này, Bộ Chính trị nêu rõ 1 trong 8 chủ trương, chính sách tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tiên phong thực hiện, đảm bảo thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ.
Đây cũng là điểm được TS Nguyễn Đình Cung đánh giá cần phải chú ý. Trong đó, số hóa doanh nghiệp là điều chúng ta cần tập trung nhiều hơn. Đó là lĩnh vực nhà nước có thể hỗ trợ để chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, chuyển đổi số các lĩnh vực sản xuất hiện hành, đồng thời tạo ra cơ hội mới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra ngành nghề mới, những sản phẩm mới…
Ông Nguyễn Minh Quý đánh giá: Việt Nam là một trong những nước áp dụng nhanh việc chuyển đổi số. Trong chuyển đổi số, góc năng động nhất là chuyển đổi số ngành marketting. Doanh thu marketting trên internet đã đạt khoảng 1 tỷ USD, gần xấp xỉ bằng quảng cáo truyền thống. Việt Nam là nước thuộc loại nhanh trong Đông Nam Á về digital marketting và là lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được. Đó là thí dụ điển hình của việc ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
TS Nguyễn Đình Cung cho biết: Những nghiên cứu, đánh giá gần đây của chúng tôi cho thấy nếu vừa áp dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vừa thúc đẩy chuyển đổi một số ngành hiện hành (đặc biệt trong những ngành hiện nay đang chiếm tỷ trọng lớn trong GDP như chế biến, chế tạo), đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì có thể làm tăng GDP từ 6%-16% vào năm 2020 và tạo ra khoảng 3,1 triệu công ăn việc làm mới.
Được biết, từ ngày 2-3/10, Ban Kinh tế Trung ương sẽ chủ trì Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit 2019) nhằm đánh giá tình hình tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 của nước ta trong thời gian qua, đồng thời phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia CMCN lần thứ 4 trong thời gian tới.
Sự kiện quốc tế này được tổ chức nhằm công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam.
Hà Duy
Toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng 4.0
VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.