Chuyện đua xe trái phép không còn tự phát với những phút bốc đồng nhất thời trong một nhóm thanh thiếu niên mà là có tổ chức, cho thấy ngang nhiên vi phạm pháp luật, cố ý gây mất an ninh trật tự xã hội, thách thức lực lượng chức năng, xem thường tính mạng người đi đường. Đua xe trái phép từ trong nội thành, ngoài thành và thậm chí có không ít trường hợp chặn cả những tuyến đường trục chính huyết mạch có nhiều phương tiện lớn lưu thông như cao tốc, quốc lộ, đại lộ.
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng phát hiện 435 vụ đua xe trái phép, lạng lách, gây rối trật tự công cộng, bắt 2.470 nghi phạm, tạm giữ 2.207 xe. Trong đó khởi tố 6 vụ, 54 bị can, xử lý hành chính 429 vụ với 2.416 trường hợp vi phạm.
Đua xe xảy ra ở nhiều nơi từng gây hậu quả chết người. Tháng 11/2020, một nhóm thanh thiếu niên đua xe ở Bình Dương gây tai nạn giao thông làm chết 3 người.
Vì sao lại liều lĩnh như vậy? Đằng sau đó hẳn còn là chuyện cá cược, lợi ích, có người cầm đầu. Phải chăng những đối tượng này nghĩ rằng sẽ khó bị xử lý hình sự, phạt tù nếu đua xe không gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người. Có nhóm “quái xế” theo dõi lực lượng chức năng để chọn thời gian, địa điểm đua xe. Ngày nay điện thoại thông minh trở thành phương tiện liên lạc thuận lợi với mức giá bình dân, các quái xế cũng nhanh chóng lập các nhóm kín trao đổi và hẹn nhau trên mạng xã hội.
Lâu nay nhiều cuộc ra quân ngăn chặn đua xe trái phép dường như "bắt cóc bỏ dĩa", nhiều nhóm “quái xế” chỉ bị phạt hành chính. Đáng chú ý, các trường hợp vi phạm bị xử lý hình sự còn khá ít so với số vụ đua xe trái phép.
Thực tế, nạn đua xe trái phép vẫn cứ diễn ra, chưa thể chấm dứt đang là nỗi lo cũng như sự bất an cho nhiều người đi đường. Mỗi địa phương đều có cả bộ máy, cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát lẽ nào lại “bó tay” với nạn đua xe trái phép?
Singapore từ năm 2015 - 2019 chỉ có 17 trường hợp đua xe trái phép nhưng mới đây cơ quan chức năng nước này đã đề xuất biện pháp xử lý nghiêm hơn nữa. Người vi phạm lần đầu có thể bị khởi tố xét xử kết án 1 năm với mức tiền phạt gần 3.800 USD (hơn gấp đôi quy định cũ); nếu tái phạm sẽ bị phạt đến 2 năm tù và 7.600 USD.
Người dân chỉ cần ghi hình gửi đến cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Cảnh sát không cần kiểm tra tốc độ vẫn có thể xử lý nghiêm nếu có chứng cứ, hình ảnh vi phạm.
Ở nước ta, về công cụ pháp luật hiện nay quy định chế tài không thiếu, hành vi đua xe trái phép có mức phạt đã tăng từ 7 - 8 triệu lên 10 - 15 triệu đồng và tịch thu xe (Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021). Mức nặng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 266 BLHS năm 2015, mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt bổ sung tới 50 triệu đồng. Thậm chí, có mức án lên tới 15 năm tù đối với hành vi đua xe trái phép.
Một khi đã đua xe là để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn giao thông, uy hiếp tinh thần cộng đồng. Cơ quan chức năng đã có đủ quy định, chế tài để xử lý nghiêm nạn đua xe, tổ chức đua xe trái phép bằng quy định pháp luật. Nên áp dụng những chi tiết tăng nặng theo hướng xử lý hình sự, phạt tù đối tượng vi phạm. Nếu chỉ áp dụng khi có án mạng chết người mới xử lý hình sự thì chưa đủ sức răn đe.
Án điểm đối với hành vi đua xe trái phép là cần thiết, hãy khởi tố và đưa ra xét xử công khai các đối tượng vi phạm. Tuyệt đối không bỏ sót những cá nhân cầm đầu đứng ra liên lạc và tổ chức đua xe trái phép, xử lý luôn cả những người cổ vũ. Các công việc này triển khai sao cho kịp thời, nghiêm minh có thể áp dụng thủ tục rút gọn trong phối hợp giữa các cơ quan điều tra, xét xử lưu động ngay tại địa bàn nhằm răn đe. Dư luận hẳn đồng tình và mong chờ mức án thích đáng, quyết liệt dẹp đua xe trái phép.
Ngoài ra, còn bị xử lý cả hành vi gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng cộng đồng, áp dụng thêm biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm (không chỉ tạm giữ như trước đây). Không bỏ qua các vụ đua xe nào, chỉ cần có chứng cứ hoặc hình ảnh hay clip người dân phản ảnh chứng minh vụ việc xảy ra là điều tra xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.
Cần có sự vào cuộc đồng bộ, ngoài cảnh sát giao thông nên huy động cảnh sát hình sự và cơ động cùng công an địa phương. Quan sát qua hệ thống camera các tuyến đường, khu vực thường diễn ra đua xe trái phép để nắm tình hình, ngăn chặn từ đầu; theo dõi mạng xã hội, thâm nhập vào các nhóm đua xe rồi lên kế hoạch đón lõng, bắt gọn.
Bên cạnh dó, phổ biến pháp luật an toàn giao thông, tăng cường tuyên truyền thay đổi hành vi ứng xử và lái xe, cảnh báo nguy cơ tai nạn và đối diện trách nhiệm hình sự khi tổ chức hoặc tham gia đua xe trái phép. Hướng thanh thiếu niên tham gia các sân chơi bổ ích, các môn thể thao giúp nâng cao thể chất. Trong đó, có các loại hình sinh hoạt cho những người ưa thích mạo hiểm, cảm giác mạnh nhưng được tổ chức an toàn.
Tình trạng nẹt pô, lạng lách, đua xe diễn ra nhiều ngày qua bất chấp lực lượng chức năng liên tục mở đợt bắt giữ "quái xế". Theo bạn, cần phải làm gì để ngăn chặn? Mọi ý kiến xin gửi về email: [email protected]. Bài viết phù hợp sẽ được Ban Biên tập chọn đăng tải. Trân trọng! |
Đỗ Ngô Trần