|
Trẻ em Đà Nẵng tại Trại hè quân ngũ với chủ đề “ Bản lĩnh thép - Trái tim vàng” tổ chức đầu tháng 6 vừa qua. Ảnh: TTXVN. |
Báo Lao Động đã sẵn sàng đón nhận và đăng tải những góp ý giá trị của độc giả từ khắp nơi để cùng xây dựng kế hoạch này.
Cạnh tranh thông tin với Trung Quốc
Ngày 5.8, người đại diện Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (www.hoangsa.org) cho biết, họ đã sẵn sàng bàn giao tên miền www.paracelisland.asia cho Báo Lao Động quản lý.
Đây là tên miền quốc tế thứ năm được các cá nhân, tổ chức giao cho Báo Lao Động để chung tay thực hiện kế hoạch bảo vệ tên miền quốc tế của các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Báo Lao Động cũng đang thực hiện kế hoạch xin phép thành lập một trung tâm thông tin với những bài viết, cứ liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Việc xây dựng một trung tâm thông tin không chỉ đáp ứng yêu cầu thông tin đến dư luận quốc tế về chủ quyền của Việt Nam, mà còn là nơi để người Việt yêu nước khắp nơi trên thế giới có thể góp phần bảo vệ lãnh thổ ông cha.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, trung tâm thông tin này cần phải xác định hướng đi của mình, đó là nơi tập trung các công trình nghiên cứu nghiêm túc để có thể cạnh tranh được với các trung tâm tương tự tại Trung Quốc.
“Theo kinh nghiệm nghiên cứu của tôi, các trung tâm thông tin hiện nay của Trung Quốc đang tập trung rất nhiều nhà nghiên cứu giỏi, làm việc rất nghiêm túc - ông Phạm Hoàng Quân nói - Các công trình nghiên cứu của họ đang cập nhật rất nhanh thông tin với nội dung sâu sắc chứ không đơn thuần là hô hào xâm lược như cách các trang báo của họ đang làm”.
Không chỉ ông Phạm Hoàng Quân, nhiều nhà nghiên cứu biển Đông trong nước cũng cho rằng chúng ta cần phải có một cái nhìn thực tế hơn đối với các công trình nghiên cứu của phía Trung Quốc.
“Công trình nghiên cứu gần đây nhất của Trung Quốc về biển Đông được phổ biến ở Việt Nam là của tác giả Hàn Chấn Hoa, cũng đã cách đây 30 năm rồi - ông Phạm Hoàng Quân cho biết - Chúng ta cũng phải có một đội ngũ cực giỏi về ngoại ngữ để dịch hoặc hiệu đính các tài liệu mang tính chuyên môn rất cao. Cá nhân tôi sẵn sàng cộng tác trong phần hiệu đính các bài viết bằng tiếng Hoa”.
“Có một mảng đề tài ít được dư luận quan tâm mà Báo Lao Động nên chú trọng, đó là theo dõi phản biện lại những bằng chứng mà Trung Quốc đã và đang tập hợp lâu nay - ông Phạm Thu Xuân (thành viên Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa) nói - Chúng ta cũng cần phải chú ý trong cách thông tin những khi nói về tranh chấp trên biển Đông để tránh tự cô lập với cộng đồng ASEAN khiến Trung Quốc lợi dụng chia rẽ”.
Theo ông Xuân, để ý tưởng trung tâm thông tin biển Đông đi vào hoạt động cần phải có một kho dữ liệu riêng để phục vụ những nhà nghiên cứu. Tên miền của trung tâm cũng phải dễ nhớ, không dài dòng và nên bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa để thu hút sự chú ý của công chúng thế giới.
“Điều quan trọng, không thể có các bài viết nghiên cứu tốt nếu không có một chế độ nhuận bút thật tốt, đặc biệt là các bài bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa - ông Xuân nói - Việc đóng tiền duy trì các tên miền quốc tế đã đăng ký cũng cần phải chú ý, nếu 1 - 2 tên miền thì chưa đáng nói, nhưng đến khi sở hữu 60 - 70 tên miền đó sẽ là một vấn đề”.
Trách nhiệm toàn dân
Việc thành lập một trung thông tin và duy trì cho nó hoạt động không thể nào là chuyện của riêng một nhóm người hay của riêng Báo Lao Động, đó phải là công trình của toàn thể người Việt Nam trên toàn thế giới, của những người vẫn đang đau đáu cho vận mệnh tổ quốc.
Ông Phan Quang Minh - Trưởng ban Kiểm tra của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và nội dung số (Vinasa) - cho rằng, “cần phải kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp”.
“Vinasa có thể kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet hỗ trợ về công nghệ. Tôi sẽ đưa vấn đề này ra ban chấp hành Vinasa để lấy ý kiến - ông Minh nói - Tôi cũng tham gia vào diễn đàn của những nhà khoa học, quản lý, nhà giáo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tin học (ICT), tôi tin rằng mình có thể góp sức cùng Báo Lao Động trong việc kêu gọi giới tin học hỗ trợ kế hoạch này”.
Các chuyên gia tin học cho rằng nên tiến hành cập nhật nội dung cho một website đã có sẵn, sau đó sẽ trỏ tất cả các tên miền quốc tế có liên quan đến chủ quyền hai quần đảo đến website này. Cách làm này sẽ tập trung được mọi nguồn lực, thông tin vào một địa chỉ.
Trong vai trò là một tổ chức truyền thông, Báo Lao Động sẽ tổ chức tiếp nhận, kiểm chứng và đánh giá thông tin từ các tổ chức và cá nhân trong lẫn ngoài nước. Báo Lao Động sẽ hợp tác với các cơ quan và chuyên gia có uy tín về nghiên cứu biển Đông để tiến hành việc kiểm chứng và đánh giá thông tin như Bộ Ngoại giao, Quỹ Nghiên cứu biển Đông, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa...
“Một trung tâm như ý tưởng của Báo Lao Động là vô cùng cần thiết - nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân khẳng định - Đó sẽ là nơi giới thiệu những nghiên cứu mới của Việt Nam, thúc đẩy công cuộc nghiên cứu phát triển liên tục. Xin nói thẳng, việc nghiên cứu về chủ quyền trên biển Đông của những học giả Việt Nam hiện đang giậm chân tại chỗ”.
Ý tưởng thành lập trung tâm thông tin còn là dịp để tất cả bạn đọc của Lao Động ở trong và ngoài nước tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Giờ đây mọi người, mọi giới đều có thể tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền, đó không còn chỉ là công việc đầy tính học thuật cao thâm của giới nghiên cứu, đó cũng không phải là nghĩa vụ của riêng chính quyền, đó là trách nhiệm của toàn dân.
(Theo Trung Bảo, Lao động)