Một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Silent Spring Institute (SSI - Mỹ) phát hiện các "hóa chất vĩnh cửu" trong gần 60% hàng dệt may "chống thấm nước" hoặc "chống vết bẩn" dành cho trẻ em.
Báo The Guardian mới đây cho biết, nghiên cứu của SSI được công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường. Tổ chức này đã tìm thấy PFAS - một nhóm gồm hơn 9.000 hợp chất trong quần áo, vỏ gối, giường ngủ và đồ nội thất, một số được dán nhãn "thân thiện với môi trường".
PFAS liên quan tới ung thư, dị tật bẩm sinh, bệnh gan, bệnh tuyến giáp, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn hormone và một loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Gần 60% hàng dệt may dành cho trẻ em được dán nhãn "chống thấm nước", "chống vết bẩn" hoặc "thân thiện với môi trường" trong nghiên cứu của SSI có chứa hợp chất PFAS độc hại.
Hóa chất PFAS vô cùng nguy hiểm tiềm ẩn trong nhiều thực phẩm, đồ gia dụng, sản phẩm may mặc... (Ảnh minh họa)
PFAS còn được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" do không phân hủy tự nhiên và tích tụ trong cơ thể người. Một trong những tác giả của nghiên cứu, bà Laurel Schaider, cảnh báo: "Điều này rất đáng ngại vì những hóa chất độc hại này có thể xâm nhập cơ thể trẻ em".
Theo phát hiện của SSI, PFAS có trong 54/93 sản phẩm được khảo sát, bao gồm 21 sản phẩm "hữu cơ", "xanh" hoặc "không độc hại". Gần 20 sản phẩm chứa nhiều loại PFAS, bao gồm PFOA - hợp chất có độc tính cao bị các cơ quan quản lý và ngành công nghiệp loại bỏ.
PFAS trong quần áo có thể xâm nhập cơ thể người qua một số con đường. Chúng dễ bay hơi nên có thể tách khỏi sản phẩm, sau đó lơ lửng trong không khí và bị hít vào phổi. Chúng cũng bám vào bụi hoặc hấp thụ qua da, đồng thời hiện diện ở nhiều nơi như trong nước, đất, không khí, thực phẩm, vật liệu trong nhà hoặc nơi làm việc.
Bà Schaider lưu ý người tiêu dùng khó tránh được các "hóa chất vĩnh cửu" vì chúng không được liệt kê cụ thể. Tuy nhiên, họ có thể nhận dạng bởi đa số sản phẩm "chống vết bẩn" thường chứa PFAS.
Theo các nhà nghiên cứu, hóa chất PFAS không chỉ có trong các sản phẩm hàng dệt may mà có nhiều trong đồ gia dụng, thực phẩm, thuốc tẩy. Chúng có thể gây bệnh thận, ung thư.
Mỹ trước đó cũng công bố kết quả nghiên cứu hợp chất PFAS có trong môi trường sống bị ô nhiễm gây hại cho thận. Đây là các hợp chất không phân hủy sinh học được dùng để nhuộm, bôi trơn trong sản phẩm tiêu dùng như dệt may, giấy, đóng gói thực phẩm. PFAS được sản xuất và sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu từ những năm 1940. Hợp chất này rất bền trong môi trường và cơ thể người, không bị phá vỡ và sẽ tích lũy theo thời gian.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy PFAS ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây bệnh lý ung thư, bệnh lý tuyến giáp, tăng cholesterol máu, tác dụng trên hệ miễn dịch và trẻ sơ sinh bị nhẹ cân.
Thận là cơ quan rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, nhất với các độc chất từ môi trường. Các chất này đi vào máu và được lọc qua thận. Các nhà khoa học phát hiện có mối liên hệ chặt chẽ giữa PFAS và các bệnh lý thận như suy giảm độ lọc cầu thận, tổn thương ống thận và ung thư thận. Trẻ em dễ bị tổn thương thận do PFAS hơn so với người lớn.
Liên quan tới hóa chất trên, mới đây, Thụy Điển cùng với bốn cơ quan thuộc châu Âu khác đã đệ trình lên Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) để cấm các hóa chất PFAS trong phạm vi toàn châu Âu cho tất cả mục đích sử dụng không cần thiết cho xã hội. Nguyên nhân nước này đưa ra đề xuất trên là do PFAS được chứng minh là chất rất khó phân hủy trong môi trường, nhiều trong số chúng có hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Do đó, theo các chuyên gia, để phòng bệnh thận do PFAS, cần giữ gìn sạch sẽ môi trường sống, không thải các chất độc hại dùng trong công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý vào môi trường. Kiểm soát chặt chẽ hàm lượng PFAS trong nước sinh hoạt, đặc biệt là ở những khu vực khai thác nước gần nhà máy sản xuất, bãi rác, nhà máy xử lý nước thải. Ngưng sản xuất và kiểm soát việc sử dụng hóa chất PFAS trong công nghiệp, nông nghiệp.
Xem kỹ nguồn gốc sản xuất của sản phẩm, bao bì đóng gói. Hạn chế sử dụng sản phẩm có thể chứa hóa chất PFAS như thực phẩm đóng gói, các loại vải không thấm nước, các đồ dùng không dính như teflon, chất đánh bóng, sáp, các loại sơn...
(Theo Viet Q)
Một nghiên cứu mang quy mô toàn cầu của các nhà khoa học khi phát hiện ra hơn 100 chất có thể gây hại cho sức khỏe trẻ nhỏ có trong các sản phẩm đồ chơi nhựa.