Giấy bẩn tràn ngập

Co thể thấy, khi vào bất kỳ một nhà hàng hay quán ăn nào, tự bản thân chúng ta hay mỗi khách hàng cũng đều yêu cầu được dùng giấy ăn. Anh Th, một chủ quán ăn trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết mỗi tháng cửa hàng của anh trung bình sử dụng từ 50 đến 70kg khăn giấy, tháng nào cao điểm có thể dùng trên 100kg. Không chỉ có các quán xá, mà trên bàn ăn của các gia đình cũng sử dụng giấy ăn với đủ các nhãn hiệu, màu sắc, chất liệu….

Sử dụng nhiều mỗi ngày là thế, nhưng khi được hỏi về chất lượng và nguồn gốc của giấy ăn thì cũng không mấy người quan tâm, thậm chí cho rằng đó là chuyện nhỏ. “Giấy nào trắng, dai là dùng thôi, không cần cầu kỳ và mình chỉ kiểm tra bằng mắt thường thôi. Nhu cầu hàng ngày nên vẫn phải dùng mà”, chị Q (sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Hiểm họa khôn lường từ giấy ăn giá rẻ
Những chồng giấy ăn không rõ nguồn gốc được sử dụng tràn lan tại các hàng quán

Ghi nhận nhanh ở khu ăn vặt tại cổng ký túc một trường đại học lớn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), khi chiều đến, sự có mặt của hàng chục xe đẩy, quang gánh biến nơi này thành “thiên đường” ăn vặt của học sinh, sinh viên và người qua đường. Bên cạnh những đồ ăn, đồ uống vốn chưa rõ nguồn gốc, những bịch giấy ăn giá rẻ, không nhãn mác cũng được treo lủng lẳng để phục vụ khách.

Một người bán đồ ăn dạo cho biết, bán món rẻ tiền nên cũng lựa mua giấy rẻ tiền, còn giấy được làm từ nguyên liệu gì, làm từ đâu thì không cần quan tâm, miễn sao cân đối được lợi nhuận sau khi bán hàng. Còn tại các “thiên đường” đồ ăn vặt khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, giấy ăn gần như xuất hiện đầy đủ như một phần tất yếu để phục vụ nhu cầu của khách.

Hiểm họa khôn lường từ giấy ăn giá rẻ
Một tờ giấy ăn khá "lạ" tại quán ăn

Không chỉ riêng thành phố lớn, giấy ăn kém chất lượng còn xuất hiện nhan nhản tại các vùng quê cho tới thành phố du lịch. Để đáp ứng nhu cầu của lượng lớn thực khách, các quán ăn tại nhiều khu du lịch luôn có sẵn những chồng giấy ăn thoạt nhìn có vẻ sạch sẽ do có màu trắng và hương thơm dễ chịu, nhưng khi sử dụng, giấy ăn ngay lập tức bị mủn, dính vào tay và có mùi do tiếp xúc trực tiếp với nước hay dầu mỡ.

Trả giá bằng sức khỏe

Tiện ích mà giấy ăn mang lại là rất rõ, nhưng ít ai hiểu rằng, những mảnh giấy ăn nho nhỏ ấy, nếu không lựa chọn kỹ và lạm dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Trong giấy nói chung và giấy ăn nói riêng có nguyên liệu là các vật liệu chứa xenlulo lấy từ rơm, rạ, tre, nứa, gỗ, sợi bông... Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều nơi sản xuất đã tái sử dụng các loại giấy cũ bằng cách dùng thuốc tẩy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, muốn có giấy ăn trắng, người ta dùng thuốc tẩy và thành phần chính của thuốc tẩy là xút và javen - hai loại hóa chất nếu tồn dư trong giấy ăn sẽ gây ra không ít hậu quả khi sử dụng.

Theo bác sĩ Nguyễn Cao Thắng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nếu sử dụng giấy ăn kém chất lượng thường xuyên và lâu dài sẽ dễ mắc các bệnh về giác mạc và đường hô hấp khi bụi giấy của các loại giấy kém chất lượng gây ra dính vào mắt hoặc bay vào phổi và phế nang.

Hiểm họa khôn lường từ giấy ăn giá rẻ
Giấy ăn giá rẻ đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe

Ngoài ra, người sử dụng còn có thể mắc một số bệnh về da như viêm da cấp và mãn tính. Không chỉ thế, khi sử dụng thường xuyên các loại giấy ăn kém chất lượng cũng có thể mắc các bệnh về tiêu chảy, tả, lỵ thương hàn... và thậm chí là bệnh ung thư.

Ở nhiều nơi, người dân thậm chí còn sử dụng giấy vệ sinh làm giấy ăn. Nếu dùng giấy vệ sinh thay giấy ăn trong thời gian dài có thể gây hại sức khỏe vì giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bụi giấy, gây ra những kích thích ở đường hô hấp. Cùng với đó, hóa chất chống ẩm, tẩy trắng tồn trên giấy có thể gây dị ứng khi kết hợp với mồ hôi, tạo nguy cơ viêm nhiễm các loại vi khuẩn, đặc biệt là virus herpes gây lở rộp môi.

Khi có nhu cầu sử dụng giấy ăn, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm của những thương hiệu uy tín hoặc có thể phân biệt bằng mắt thường: giấy ăn đảm bảo chất lượng thường mịn, không chứa những chấm tạp chất màu đen nhỏ li ti trên bề mặt, không bụi; chất giấy dai, khó rách, khi nhúng vào nước vẫn giữ được hình hài của giấy mà không bị vón cục.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô