Dù doanh nghiệp (DN) liên tục thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản nhưng UBND tỉnh Nghệ An vẫn ra văn bản chỉ đạo tạm ứng ngân sách huyện để thay DN trả nợ cho dân. Sau 4 năm tạo ra sự việc hi hữu đó, huyện vẫn chưa biết bao giờ có thể đòi DN trả số tiền gần 27.000 USD đã được tạm ứng.
Tỉnh chỉ đạo huyện thay doanh nghiệp trả nợ
Xác nhận thực tế đến thời điểm này, huyện vẫn chưa đòi được số tiền 26.887 USD (tương đương 617 triệu đồng thời điểm năm 2016) tạm ứng để trả nợ cho DN, ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) cho biết: “Việc tạm ứng ngân sách để trả tiền nợ thay cho Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam (gọi tắt là Globe Farm) là huyện thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ở địa phương có trường hợp thế này”.
Sự việc hi hữu này bắt nguồn từ năm 2010, Globe Farm được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án trồng chuối xuất khẩu tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành với tổng số vốn đầu tư dự kiến hơn 3 triệu USD, tổng diện tích 200ha, quy mô sản xuất 100.000 tấn chuối/năm.
Khu đất thực hiện dự án trồng chuối xuất khẩu ở xã Viên Thành |
Tháng 6/2010, thông qua HTX Nông nghiệp Viên Thành, Globe Farm đã ký hợp đồng thuê 54ha đất của 790 hộ dân của xã Viên Thành với giá 600 USD/ha/năm, thuê năm nào trả tiền năm đó.
Để thu hút dự án FDI này, tỉnh Nghệ An đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hạ tầng và làm 9km đường nhựa từ QL7 vào đến vùng trồng chuối nguyên liệu. Người dân cũng nhanh chóng giao đất, mặt bằng tạo thuận lợi cho Globe Farm triển khai dự án.
Đầu năm 2013, Globe Farm thu hoạch lô chuối đầu tiên và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, sang năm 2014, giống chuối Globe Farm đem về từ Philippines do không chịu được khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam nên tàn dần.
Đồng thời do không mở rộng được diện tích đất như kế hoạch ban đầu và nhiều nguyên nhân khác… nên đến tháng 7/2016, Globe Farm rút đi hoàn toàn, để lại hàng chục ha đất nông nghiệp bị cày xới nham nhở, cỏ dại mọc um tùm, không thể sản xuất.
Đặc biệt, từ năm 2015 trở về sau, Globe Farm không chi trả một đồng nào tiền thuê đất cho người dân, khiến người dân bức xúc.
Tháng 12/2016, sau khi chủ trì buổi làm việc với các ngành, địa phương về dự án trồng và xuất khẩu chuối của Globe Farm, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ra kết luận và được cụ thể hóa bằng Thông báo khẩn số 775/TB-UBND ngày 21/12/2016, cho phép Globe Farm dừng việc thuê đất trồng chuối đối với dự án.
Đặc biệt, tỉnh còn chỉ đạo UBND huyện Yên Thành tạm ứng số tiền tương đương 50% số tiền Globe Farm còn nợ tiền thuê đất của dân năm 2015 - 2016 để thông qua xã thanh toán dứt điểm cho dân.
Triển khai chỉ đạo của tỉnh, tháng 12/2016, huyện Yên Thành chi ngân sách khoảng 617 triệu đồng trả nợ cho dân thay Globe Farm.
Tiền ngân sách thành “nợ xấu” khó đòi
Giải thích về việc lấy tiền ngân sách trả nợ thay DN, một nguyên lãnh đạo huyện Yên Thành thời kỳ đó cho biết: Xét về nguyên tắc tài chính, việc tạm ứng ngân sách để trả tiền thuê đất cho một DN tư nhân là sai.
Nhưng vì thời điểm đó người dân rất bức xúc, có nguy cơ mất ANTT và bất ổn chính trị ở địa phương nên UBND tỉnh đã ra quyết định như vậy là để an dân. UBND tỉnh cũng yêu cầu Globe Farm trả lại khoản kinh phí này cho huyện Yên Thành trước ngày 28/2/2017.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tài chính Nghệ An khẳng định: “Việc này không sai. Huyện ứng cho xã để xã chi trả cho dân chứ không phải cho công ty. Đây là chuyện bình thường theo quy định của Luật Ngân sách”(!?).
Theo ông Tùng, khi triển khai dự án, nhà đầu tư đã bỏ tiền ra để bồi thường GPMB nên giờ họ muốn tỉnh hỗ trợ số tiền mà họ đã bỏ ra. “Do chi phí bồi thường, GPMB tính theo dự án, không thể hoàn trả nhà đầu tư nên họ đề nghị tỉnh hỗ trợ một phần tiền thuê đất. Sau đó, tỉnh có chỉ đạo xử lý dứt điểm và vì liên quan đến người dân nên huyện đồng ý tạm ứng ngân sách để xã trả cho dân”, ông Tùng cho biết thêm.
Về phương án sắp tới, ông Tùng cho hay: “Theo quy định, tiền thuê đất thì DN phải trả cho dân vì lấy đất của dân. Còn theo nghiệp vụ tài chính thì đang chi tạm ứng thì đang treo tạm ứng, treo công nợ, đến khi nào công ty chi trả lại cho xã thì xã sẽ trả lại cho ngân sách. Hiện tại Globe Farm vẫn còn danh nghĩa pháp lý nên vẫn phải theo dõi công nợ. Nếu công ty này phá sản thì sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật khi DN phá sản.
Giám đốc chuyển công ty, tài khoản Globe Farm trống trơn Ông Ngô Văn Chín, Giám đốc HTX Nông nghiệp Viên Thành cho biết, sau khi UBND tỉnh có thông báo thay Globe Farm chi trả tiền thuê đất cho dân, tháng 12/2016, huyện đã chuyển tiền về và xã trực tiếp chi trả cho các hộ dân. Tuy nhiên, phía Globe Farm vẫn không trả 50% tiền thuê đất còn lại của năm 2015 - 2016. Trong khi đó, ông Son Young Wan (Hàn Quốc) - Giám đốc Globe Farm chuyển vào Đồng Nai làm ăn. Đến năm 2018, HTX quyết định khởi kiện Globe Farm ra tòa. Sau khi có quyết định của toà án, Globe Farm đã chi trả phần tiền thuê đất còn lại của năm 2016 cho HTX, còn tiền thuê đất năm 2017 - 2018 thì công ty có đơn xin… không trả. “Sau khi cùng cán bộ Thi hành án tỉnh vào Đồng Nai xem công việc làm ăn của ông Son Young Wan thì thấy ông này đã làm cho công ty khác, các tài khoản ngân hàng của Globe Farm cũng không có đồng nào”, ông Chín nói. |
(Theo Báo Giao Thông)