"Hiện nay, nhiều cơ sở cứ xưng có chứng nhận Vietgap nhưng thực chất thì có thực hành Vietgap thật đâu? ".
Việc lô 80 con heo thịt đạt chứng nhận VietGAP vừa bị cơ quan chức năng phát hiện có chất cấm Salbutamol gấp 5 lần mức cho phép và phải tiêu hủy khiến niềm tin của người tiêu dùng vào các giấy chứng nhận tiêu chuẩn vốn đã ít lại càng ít hơn. Nhiều người đặt ra băn khoăn: Đến thực phẩm đã được cấp chứng nhận Vietgap rồi mà vẫn xảy ra như vậy thì bây giờ còn biết tin vào đâu nữa?
Liên quan đến vụ việc này, chia sẻ với PV báo Phụ Nữ TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: "Rất nhiều cơ sở nông nghiệp đang làm Vietgap, Vietgap là thực hành nông nghiệp tốt trong chăn nuôi. Vietgap thực chất là một xu hướng rất tốt bởi vì có sự quản lý ngay từ đầu, phòng tránh tất cả các yếu tố để dẫn đến các chất nguy hại vào trong thực phẩm để thu được thực phẩm an toàn, đấy chính là yêu cầu của Vietgap.
Tuy nhiên khi kiểm tra những cơ sở đã được chứng nhận Vietgap mà vẫn xảy ra những vi phạm thì có thể xảy ra mấy trường hợp sau. Thứ nhất là chứng nhận Vietgap chỉ có một giá trị trong một thời gian nhất định chứ không phải là vô hạn. Tức là cơ sở đăng kí trên một năm thì mới xác định lại một lần, cứ mỗi năm thì cơ quan lại đến kiểm tra, chứng nhận lại một lần.
Như vậy thì việc chứng nhận đó có thể có hai loại, một loại có giá trị trong một năm, có loại chứng nhận trong hai năm. Rõ ràng, nó chỉ có giá trị một lần thôi chứ không phải là vô hạn. Có thể trong giai đoạn đầu tổ chức đó làm đúng và được công nhận Vietgap nhưng sau khi đã chứng nhận rồi thì lại vứt cái Vietgap "xuống sông xuống suối rồi trôi lềnh bềnh ra biển". Vì vậy cho nên, tình trạng đó mới xảy ra và người ta không còn tôn trọng Vietgap nữa.
80 con heo “dính” chất cấm được đưa vào lò mổ Vissan vừa qua. |
Thế thì, tình trạng này rất giống với nhiều doanh nghiệp nước ta khi được công nhận Isso 9000, lúc nào cũng Iso 9000.
Trên thực tế thì nó lại xảy ra mấy trường hợp. Trường hợp thứ nhất là chứng nhận rởm, cũng giống như cái giấy khen ấy. Tức là cái đó chẳng qua là một thủ thuật. Thực chất, chứng nhận đó lại không kiểm định thực sự, không cầu thị thực sự để mong muốn có được thực phẩm an toàn mà chỉ mong được chứng nhận để bịt mắt thiên hạ để quảng bá thôi.
Loại thứ hai tức là, làm thật lúc đầu nhưng làm rởm tiếp theo, đây là một tình trạng ở Việt Nam thường xuyên xảy ra. Vì vậy cho nên mới xảy ra tình trạng người ta bắt được rồi, người ta tiêu hủy rồi có nghĩa là người ta đã phủ nhận cái mà người ta đã thực hiện từ trước. Và cái chương trình Vietgap hay Iso cũng là như vậy. Nhìn chung là bây giờ người ta không tin nữa".
Theo ông Thịnh: "Việc phát hiện chất cấm trong heo như vừa rồi thì phải phân tích nó trong mấy giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là người nuôi thành sản phẩm và bán đi. Giai đoạn đó có thể được coi là đã hoàn thành Vietgap rồi. Thế nhưng thương lái đó về có nuôi tiếp hay giết ngay, nếu nuôi tiếp thì mới ném chất cấm vào mồm con lợn được chứ. Còn nếu họ không nuôi tiếp mà giết ngay thì lại khác. Cho nên đây là vấn đề không rành mạch trong việc bàn giao sản phẩm.
Quy trình kiểm soát của họ lỏng lẻo là cái chắc cho nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Có thể nói bao giờ cũng có hai quá trình, quá trình sản xuất và quá trình thương mại. Người sản xuất có thể đã bán cho người mua con lợn tốt nhưng người mua lại vì lợi ích nên bỏ thêm chất phụ gia vào hoặc là do thịt để lâu không bảo quản tốt thì bị ôi thiu đi.
Người bán sản phẩm đến người dân lại đem ngâm vào hóa chất để cho thịt tươi lên thì đây là lỗi của quá trình sản xuất. Hai quá trình này độc lập với nhau nhưng điều quan trọng là làm sao để phân định được. Thì người bán này phải có trách nhiệm với người bán tiếp. Người ta gọi là phân khúc giai đoạn. Chính vì vậy người ta mới phải nói phải truy xuất nguồn gốc, cứ truy xuất nguồn gốc là sẽ ra.
Thế nhưng hiện nay nhiều cơ sở lại cứ xưng là mình có chứng nhận Vietgap nhưng thực chất thì có thực hành Vietgap thật đâu. Bây giờ người ta cứ làm bậy làm bạ thôi. Có thể, chứng nhận ngày hôm nay nhưng ngày mai người nuôi đổ chất cấm vào lợn thì cũng chẳng làm gì được.
Theo tôi bây giờ quy trình đầu tiên là con người phải sống chân thực với nhau, đừng có đi lừa đảo nữa hay nói cách khác phải sống thật với nhau thì mới dẹp được mọi vấn đề".
Theo PNO