|
Ảnh minh họa |
Tại hội thảo “Xây dựng hệ thống xác thực điện tử phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính” do Bộ TT&TT tổ chức cuối tháng 6/2010, vấn đề xây dựng một hệ thống xác thực điện tử chung thống nhất trong tương lai được đưa ra như là một giải pháp tối ưu cho vấn đề này.
Đẩy mạnh “số hóa” chữ ký
Để tăng hiệu quả giải quyết công việc nội bộ và cung cấp các dịch vụ công, gần đây nhiều cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam đã triển khai ứng dụng chữ ký số vào các hoạt động nghiệp vụ của mình, trong đó mạnh nhất phải kể đến khối ngân hàng, thuế, tài chính, chứng khoán. Như Ngân hàng Nhà nước, hiện đã triển khai việc tích hợp với các nghiệp vụ như kế toán, giao dịch, hệ thống báo cáo thống kê…; Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát triển các ứng dụng, triển khai giao dịch điện tử có sử dụng chữ ký số, trong đó có việc áp dụng chữ ký số cho hệ thống nộp tờ khai thuế qua mạng Internet…
Đối với hoạt động giao dịch điện tử phục vụ công tác quản lý nhà nước tại địa phương, từ năm 2009 Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh đã trở thành đơn vị đi tiên phong trong nước bằng việc triển khai ứng dụng chữ ký số. Và mới đây, từ ngày 28/6/2010, Hà Nội cũng đưa vào triển khai thí điểm chữ ký số giai đoạn 1 trong hoạt động gửi nhận văn bản điện tử (như văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, thông báo, văn bản sao lục đến các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện...) đối với 5 đơn vị hành chính là Sở TT&TT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải và UBND quận Ba Đình.
Thực tế triển khai tại hầu hết các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong thời gian qua đều cho thấy những hiệu quả tích cực, giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí in ấn văn bản giấy, quản lý công văn… Nhận định về nhu cầu xác thực điện tử trong thời gian tới tại Việt Nam, trong đó chữ ký số là một trong các công nghệ xác thực điện tử điển hình, nhiều chuyên gia đến từ các Tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và xác thực điện tử nhận định trong thời gian sắp tới, hoạt động giao dịch và xác thực điện tử sẽ tiếp tục nở rộ tại Việt Nam.
Ông Lê Văn Ba, kiến trúc sư Hạ tầng cơ sở khóa công khai (PKI) công ty Cổ phần Hệ thống thông tin FPT nhận định: “Ngoài những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng chữ ký số cho giao dịch điện tử như ngân hàng, chứng khoán thì trong nhiều ngành cũng đang xúc tiến việc ứng dụng để thay thế chữ ký giấy, đảm bảo tính bảo mật, tiết kiệm thời gian, thực tế này đang tạo ra tiền đề quan trọng trong việc hướng đến các ứng dụng Chính phủ điện tử”.
|
Giao dịch điện tử và xác thực điện tử ngày càng trở thành một nhu cầu phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: H.P |
Cần triển khai hệ thống xác thực thống nhất
Hiện nay nhiều cơ quan nhà nước khi triển khai các dịch vụ công trực tuyến đều cho rằng cần có các cơ chế xác thực riêng cho hệ thống của mình. Trong khi đó, đối với nhiều cơ quan nhà nước, mức độ yêu cầu xác thực người dùng cuối đối với dịch vụ công trực tuyến được các cơ quan này cung cấp là như nhau nên có thể dùng chung được các cơ chế xác thực như nhau.
Về vấn đề này, ông Đào Đình Khả - Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số Quốc gia (Cục Ứng dụng CNTT) cảnh báo: “Sẽ dễ dẫn đến kém hiệu quả nếu các cơ quan, tổ chức tự xây dựng các hệ thống xác thực điện tử”. Đồng quan điểm, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị cũng nhận định nếu tự xây dựng các hệ thống cung cấp dịch vụ xác thực điện tử nội bộ (tức là với phạm vi hẹp), các cơ quan sẽ phải đối mặt với những thách thức về hiệu quả kinh tế (do mỗi hệ thống yêu cầu đầu tư lớn, thậm chí lên tới hàng tỷ đồng), đồng thời gặp phải trở ngại trong vấn đề tương tác và công nhận lẫn nhau khi thực hiện kết nối với các cơ quan bên ngoài do công nghệ không tương thích.
Chính vì vậy, đặt trong thực tế hiện nay, việc xây dựng một hệ thống xác thực điện tử chung, thống nhất cho các dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như quản lý của các cơ quan Nhà nước đang được đặt ra cấp bách tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT), hiện nay Bộ TT&TT đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cho dự án Xây dựng hệ thống xác thực Quốc gia. Hiện dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu nhu cầu nghiệp vụ và thiết kế mô hình tổng thể. Theo các chuyên gia, việc triển khai một hệ thống xác thực thống nhất sẽ tiết kiệm đầu tư, thống nhất về công nghệ, thuận tiện cho người sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát, nâng cấp mức độ an toàn an ninh thông tin.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 81 ra ngày 7/7/2010