Nhật Bản
Hầu như ngay sau khi nhậm chức (tháng 4/1927), Thủ tướng Tanaka Giichi đã công bố bản Tấu thỉnh mà nội dung chủ yếu là xâm chiếm toàn bộ châu Á và khu vực Viễn Đông của Liên Xô.
Thực hiện kế hoạch đại quy mô này, ngày 18/9/1931, Nhật phát động chiến tranh và đến tháng 3/1932 thì hoàn thành việc đánh chiếm khu vực Mãn Châu của Trung Quốc, dựng lên chính phủ bù nhìn Mãn Châu. Ngày 15/9/1932, Nhật kí với “nước Mãn Châu” hiệp ước công nhận “nền độc lập” của Mãn Châu và cho phép quân Nhật đóng tại đây.
Lễ ký hòa ước Versailles |
Hành động của Nhật đã chạm đến lợi ích của Anh, Mỹ. Tuy nhiên, hai nước này đã làm ngơ với tính toán rằng Nhật sẽ tiêu diệt cách mạng Trung Quốc và nhất là sẽ tiến công Liên Xô. Trước đơn khiếu nại của Trung Quốc, Hội Quốc Liên cũng chỉ lên tiếng kêu gọi “thiện chí” của Nhật, đồng thời phái đoàn điều tra cuộc tranh chấp Nhật – Trung.
Ngày 24/2/1933, Hội Quốc Liên thông qua báo cáo của đoàn điều tra. Một mặt xác định sự xâm lược của Nhật Bản, không công nhận “nước Mãn Châu”; mặt khác, lại đề nghị duy trì “những quyền đặc biệt” của Nhật ở Trung Quốc. Giải pháp của Hội Quốc Liên đã nhượng bộ Nhật rất nhiều, song Nhật không chấp nhận. Ngày 24/3/1933, Thiên Hoàng công bố sắc lệnh rút Nhật khỏi Hội Quốc Liên, đánh dấu sự tan vỡ của Hệ thống Versailles – Washington ở Viễn Đông.
Đức
Đối với các thế lực quân phiệt Đức, Hòa ước Versailles không chỉ là một sự thiệt thòi lớn, mà còn là một “vết nhục” mà nước Đức nhất định phải xóa bỏ. Từ năm 1930, sau khi Chính phủ Miiler – chính phủ cuối cùng của nền cộng hòa Weimar sụp đổ, chính quyền mới ráo riết thực hiện dần từng bước việc thanh toán Hệ thống Versailles và chuẩn bị chiến tranh thế giới mới.
Tháng 6 và 7/1932, tại hội nghị Lausane, với sự đồng tình của Mỹ, Đức thành công trong vấn đề hủy bỏ những hạn chế về quân sự. Theo đó, số tiền bồi thường của Đức chỉ còn 3 tỉ mác trả trong 37 năm sau một thời gian ngừng trả trong 3 năm (thực tế, khi Hitler lên nắm quyền thì không trả nữa).
Tiếp đến, tại hội nghị Geneva về giải trừ quân bị (tháng 10/1933), dưới sức ép của Anh, hội nghị đã thông qua quyết định công nhận Đức “có quyền bình đẳng về vũ trang như các nước khác”.
Tuy nhiên, Anh cũng tán thành với quan điểm của Pháp là “bình đẳng nhưng phải có kiểm soát”, trong khi phía Đức muốn “bình đẳng ngay lập tức”. Không đạt được yêu cầu, ngày 14/10/1932, Đức rời khỏi hội nghị và 3 ngày sau rút khỏi Hội Quốc Liên.
Ngày 16/3/1935, Hitler công bố đạo luật cưỡng bức tòng quân và thành lập 36 sư đoàn (Pháp chỉ có 30 sư đoàn). Chỉ 3 tháng sau, ngày 18/6, Anh lại ký với Đức một hiệp định về hải quân, cho phép Đức xây dựng hạm đội tàu nổi và tàu ngầm. Hiệp định này đã trực tiếp vi phạm Hòa ước Versailles và củng cố thêm vị trí của Đức về mặt quốc tế.
Italia
Là nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, song Italia cũng không thỏa mãn với việc phân chia thế giới theo Hòa ước Versailles. Tham vọng của Italia là bành trướng ở vùng Balkan (lãnh thổ Nam Tư, Hi Lạp, Albania...), đồng thời chiếm đoạt các thuộc địa ở châu Phi hòng làm bá chủ Địa Trung Hải mà Italia vẫn coi như cái “ao nhà” của mình.
Tháng 6/1933, Italia đề xuất ký hiệp ước tay tư với Anh, Đức, Pháp nhằm xét lại biên giới đã quy định trong Hòa ước Versailles. Nhưng kế hoạch này không thành công do sự phản đối của Pháp và các nước đồng minh của Pháp trong Khối tiểu hiệp ước như Romania, Tiệp Khắc, Nam Tư (là đối tượng nhòm ngó của Italia).
Tuy nhiên, để Italia không quá phẫn nộ, ngày 7/1/1935, Pháp ký với Italia Thỏa thuận Roma. Theo đó, Pháp nhượng cho Italia vùng lãnh thổ rộng lớn nhưng còn hoang vu ở châu Phi (gần biên giới Libya) và cho Italia tự do hành động ở Ethiopia; ngược lại, Italia ủng hộ các lợi ích của Pháp ở châu Âu.
Ngay lập tức, Italia tiến hành hàng loạt vụ khiêu khích ở biên giới Ethiopia và Somalia. Ethiopia khiếu nại lên Hội Quốc Liên, nhưng các đại diện Anh và Pháp cản trở việc xét đơn khiếu nại đó.
Ủy ban điều tra của Hội Quốc Liên do Anh, Pháp khống chế đã đưa ra những đề nghị nhượng bộ Italia, gây thiệt hại cho Ethiopia. Không nhận được sự ủng hộ của Anh và Pháp, Ethiopia chuyển sang cầu cứu Mỹ. Nhưng Mỹ từ chối, lấy cớ “không can thiệp”. Thượng viện Mỹ còn thông qua đạo luật “trung lập”, cấm bán vũ khí và vật tư quân sự cho các bên liên quan.
Như được bật đèn xanh, ngày 3/10/1935, Italia bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ethiopia với 200.000 quân, 400 máy bay, 400 xe tăng và 800 khẩu pháo. Nhờ sự ủng hộ của Anh, Pháp, Mỹ và với ưu thế về lực lượng, tháng 5/1936, quân đội Italia chiếm thủ đô Ethiopia. Chính quyền Mussolini tuyên bố sáp nhập Ethiopia làm thuộc địa.
Cuối cùng, ngày 3/12/1937, Italia rút khỏi Hội Quốc Liên, dù chính sách “trừng phạt hạn chế” của Hội Quốc Liên đối với Italia đã không mang lại hiệu quả nào.
Như vậy, được sự đồng lõa của Anh, Pháp, Mỹ; với việc từng bước phá bỏ Hệ thống hòa ước Versailles và tích cực chuẩn bị lực lượng vũ trang để phân chia lại thế giới, Nhật Bản, Đức, Italia đã trở thành những lò lửa của chiến tranh thế giới mới.
Nguyên Phong
Sóng gió trên chính trường Mỹ qua những hình ảnh nổi bật
Số phiếu bầu sớm nhiều chưa từng có, trận chiến pháp lý liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống và cuộc bạo động ở Đồi Capitol là những cơn địa chấn trên chính trường Mỹ.
Những điều đặc biệt trong lễ nhậm chức của ông Biden
Ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.