Lãnh đạo một đơn vị để thua lỗ, thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng, không chỉ kỷ luật Đảng mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự ông Trịnh Xuân Thanh.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 lần trực tiếp chỉ đạo làm rõ về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh càng khiến dư luận dành sự quan tâm đặc biệt tới vụ việc này. Những người quan tâm đều hoan nghênh về hành động của người đứng đầu Đảng ta.
Những thông điệp từ ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư đã rất rõ ràng. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện những chỉ đạo ấy và cho ra kết quả như thế nào là điều mà nhân dân quan tâm. Nói cách khác, niềm tin có được hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả xử lý vụ việc này.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Thưa ông, Văn phòng TƯ Đảng ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về những công việc cần làm tiếp theo sau khi có thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ về ông Trịnh Xuân Thanh đúng 1 tuần. Ông nhìn nhận động thái này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chỉ đạo của Tổng bí thư thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng trong việc chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống; thể hiện quyết tâm chiến lược trong chống tiêu cực tham nhũng và đặc biệt trong công tác cán bộ.
Chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư trong trường hợp cụ thể là ông Trịnh Xuân Thanh thể hiện được tinh thần quyết tâm của tập thể ban lãnh đạo Đảng khóa 12 chứ không chỉ nhất thời một vụ việc cụ thể, qua đó củng cố niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân.
Trong 4 nội dung chỉ đạo của Tổng bí thư đều có cụm từ “làm rõ “hoặc “xử lý” trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, sai phạm. Như vậy chúng ta có thể hiểu ở đây sẽ không có chuyện xử lý kiểu chung chung, thưa ông?
- Đúng vậy, tôi hiểu chỉ đạo của Tổng bí thư là không phê phán chung chung, phải làm ráo riết, cụ thể và có hiệu quả. Về việc quy trách nhiệm, tôi thấy có một số ý rất quan trọng: đi liền với sự việc của ông Trịnh Xuân Thanh phải đi tìm gốc rễ nguyên nhân dẫn đến sự việc, ai chịu trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Tôi thấy 4 nội dung chỉ đạo của Tổng bí thư đều đã hàm ý những nội dung này.
Qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy tất cả các vụ việc tiêu cực, đặc biệt những vụ việc lớn nếu có đầy đủ quyết tâm và cách làm phù hợp, có sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng thì đều có thể xử lý thành công.
Việc một cá nhân có những sai phạm trong bộ máy nhà nước ở ta là không hiếm, vậy tại sao ở vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Tổng bí thư lại phải trực tiếp có ý kiến chỉ đạo đến 2 lần (tính đến thời điểm này), thưa ông?- Theo tôi đó chính là tính nghiêm trọng của vấn đề. Vụ việc của ông Thanh có thể nói là rất “điển hình”, ông Thanh đã phạm phải những sai lầm mà văn kiện Đại hội 11 từng phê phán: Đó là chạy chức chạy quyền, chạy án chạy tội, chạy khen thưởng để đánh bóng tên tuổi mình, chạy luân chuyển khi không nằm trong diện được luân chuyển. Vụ việc này nếu giải quyết được triệt để cũng sẽ giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Phân tích con đường thăng tiến của ông Trịnh Xuân Thanh cũng như những hậu quả mà ông này để lại cho thấy nếu chỉ xử lý cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh thôi thì đó chỉ là phần ngọn, là chưa toàn diện?
- Đúng vậy, giải quyết vụ việc của ông Thanh mới chỉ là phần ngọn. Phần gốc là một hệ thống các tổ chức đứng sau ông Thanh cũng phải có trách nhiệm, đặc biệt những cán bộ cấp trên của ông Thanh, trong chỉ đạo của Tổng bí thư cũng đã nêu rõ đó là Đảng bộ công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, người đứng đầu khi đó là ông Vũ Huy Hoàng, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ đó, người đứng đầu là Bí thư và Chủ tịch tỉnh Hậu Giang lúc đó. Cùng với đó là các cơ quan kiểm tra của Đảng, Bộ Nội vụ…
Theo ông để thua lỗ, thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng thì sẽ bị xem xét như thế nào thưa ông?
- Không chỉ xử lý hành chính, kỷ luật Đảng mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự. 8 vụ án lớn mà Tổng bí thư đã chỉ đạo phải xét xử trước Đại hội 12 đều có liên quan đến tham nhũng, thất thoát tài sản.
Trường hợp của PVC chỉ trong thời gian ngắn mà thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng phải xử lý theo pháp luật, trong đó có xử lý cả cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh, làm như vậy mới giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
Ông có thể cắt nghĩa vì sao chúng ta có cả một hệ thống làm công tác tổ chức cán bộ, thanh tra, ủy ban kiểm tra các cấp và tai mắt của nhân dân mà những sai phạm nghiêm trọng như vậy lại không được xem xét, truy cứu trách nhiệm?
- Thứ nhất là hệ thống làm công tác cán bộ chưa chặt chẽ các khâu, các bước, từ ở cơ sở, địa phương lên tới Trung ương. Thứ hai, qua vụ việc này, dư luận có quyền đặt câu hỏi có sự khuất tất ở đâu đó trong các cơ quan kiểm tra, tổ chức, người đứng đầu giúp cho ông Thanh “chạy được”. Rõ ràng “chạy” ở đây là phải có địa chỉ, chúng ta đã tìm ra người chạy, việc còn lại là tìm được địa chỉ, ông Thanh đã chạy đến ai, địa chỉ nào, tổ chức nào.
Ông có nói nhiều đến trách nhiệm người đứng đầu. Vậy trách nhiệm của người đứng đầu trong vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, nếu có dấu hiệu vi phạm (cụ thể ở đây là ông Vũ Huy Hoàng - nguyên ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương) trong trường hợp này như thế nào?
- Xử lý theo điều lệ Đảng và đúng pháp luật. Tất cả mọi cán bộ, đảng viên không loại trừ cấp nào, dù là đang chức hay đã nghỉ hưu, nếu vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý. Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ: Nếu có dấu hiệu của vi phạm phải tìm tận nơi để xử lý triệt để. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta siết chặt kỷ luật của Đảng và việc thực thi pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền, tất cả mọi đối tượng đều thượng tôn pháp luật, dứt khoát không có vùng cấm.
Theo VOV