Theo Financial Times, Không quân Anh (RAF) đã công bố chương trình nâng cấp trị giá 2,79 tỷ USD nhằm gia tăng khả năng tác chiến của phi đội tiêm kích Eurofighter Typhoon. Các chiến cơ còn được gọi là "Cuồng phong châu Âu" sẽ được trang bị hệ thống radar hiện đại nhất thế giới, AESA ECRS Mk2, được cho là sẽ không lỗi thời cho tới năm 2040.
RAF sẽ đưa radar ECRS Mk2 lên toàn bộ 40 chiếc Typhoon mới nhất của mình, nhưng các chiến cơ "giải ngũ" vào năm 2025 sẽ không nhận được sự cải tiến này. Hệ thống radar tối tân mới sẽ cho phép Typhoon có khả năng kiểm soát chiến trường tốt hơn, nhờ khả năng xác định và theo dõi nhiều mục tiêu cả trên không lẫn mặt đất. Không những vậy, ECRS Mk2 còn giúp "Cuồng phong" có được năng lực tác chiến điện tử, thông qua việc gây nhiễu các hệ thống phòng không của đối phương.
Để khai thác tối đa sức mạnh của ECRS Mk2, các buồng lái của Typhoon cũng sẽ được thay đổi cách bố trí và giao diện điều khiển, nhằm giúp phi công làm quen nhanh nhất với radar tối tân này. Bên cạnh các cải tiến về công nghệ cảnh báo, các tiêm kích của RAF cũng sẽ được trang bị các loại tên lửa mới nhất, nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh trong tương lai.
Bên cạnh việc được sử dụng cho "Cuồng phong châu Âu", radar ECRS Mk2 cũng được cho là sẽ tương thích với chiến cơ thế hệ 6 - Tempest, được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho máy bay chiến đấu.
Không chỉ là biểu tượng cho không quân Anh, Eurofighter Typhoon còn đang được sử dụng trong không quân Đức, Áo, Tây Ban Nha và Italia. Với thiết kế cánh tam giác đặc trưng, "Cuồng phong" là máy bay rất linh hoạt ở cả dải tốc độ cao lẫn thấp. Hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số cùng thiết kế khí động học ưu việt giúp cũng giúp tiêm kích này có duy trì khả năng cơ động cao trong phạm vi hẹp.
Tốc độ bay tối đa của Eurofighter Typhoon vào khoảng Mach 2 ở độ cao lớn, Mach 1,2 ở mực nước biển và đạt Mach 1,3 ở độ cao lớn với trang bị vũ khí không đối không tiêu chuẩn. Trần bay chiếc Typhoon có thể đạt được lên tới 19.000 mét, tầm hoạt động 1.390km.
Việt Dũng