|
Hệ thống phân phối quang tập trung NGF được ứng dụng tại VNPT Thái Nguyên. |
Tồn tại nhiều bất cập
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam đang ngày càng cao với những dịch vụ như điện thoại hình ảnh, dịch vụ tích hợp thoại, số liệu và truyền hình ảnh… và thực tế này đòi hỏi băng thông truyền dẫn ngày càng lớn. Vì thế, đường truyền Internet cáp quang với những tính năng ưu việt đang ngày càng phát triển mạnh thay thế việc truyền dẫn bằng cáp đồng hoặc vi ba truyền thống, đồng thời đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải lựa chọn môi trường truyền dẫn phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu cao nhất về chất lượng cho khách hàng.
Trong xu thế mạng truyền dẫn quang đang phát triển với tốc độ rất nhanh, Việt Nam hiện đang có 7 nhà cung cấp dịch vụ FTTH, trong đó thị phần và số lượng thuê bao đang tập trung ở 3 nhà cung cấp lớn là VNPT, FPT và Viettel. CMC TI dù mới gia nhập thị trường này hồi tháng 4/2010 nhưng cũng đã nhanh chóng khẳng định thị phần tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…, khiến cho cuộc chạy đua giành thị phần của các nhà cung cấp thêm quyết liệt.
Về nhu cầu sử dụng, thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng. Theo ước tính, trong nước hiện mới có khoảng 7% doanh nghiệp sử dụng truyền dẫn cáp quang và số còn lại cũng tương đương với trên 300.000 doanh nghiệp chưa sử dụng. Cho dù lượng sử dụng được đánh giá là còn rất “khiêm tốn” như vậy nhưng việc phát triển nhanh chóng của dung lượng đấu nối quang trong thời gian qua cũng đã khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ trong nước thường không kịp trang bị hệ thống phân phối quang đáp ứng phù hợp với nhu cầu của thực tế, gây phát sinh nhiều hạn chế trong cung cấp dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Tích Đức - chuyên gia của ADC Krone (một trong những hãng đi tiên phong trong nghiên cứu, sản xuất hệ thống phân phối quang tập trung theo chuẩn của hệ thống phân phối quang Telcordia GR-499-CORE tiên tiến trên thế giới hiện nay với hệ thống khung phối quang thế hệ mới NGF, OMX800 và ODM) cho rằng, vấn đề quy hoạch mạng cáp quang tại Việt Nam hiện gần như chỉ tập trung cho các hệ thống truyền tải nên dung lượng của hệ thống rất hạn chế, không theo chuẩn kỹ thuật nên chỉ đáp ứng được dung lượng đấu nối rất ít, không có hệ thống quản lý dây nhảy quang (phần dây nối giữa hộp phân phối quang và thiết bị) thừa trong hệ thống phân phối quang... Thực tế này dẫn tới tình trạng tại hệ thống phòng tổng đài, tủ thiết bị, dây nhảy quang luôn chằng chịt, chiếm không gian lớn nên ảnh hưởng đến chất lượng truyền dẫn, khiến việc quản lý, bảo trì khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp không thể ứng cứu nổi khi xảy ra sự cố.
“Mổ xẻ” nguyên nhân
Nhận định của các chuyên gia cho thấy, nếu sử dụng một hệ thống phân phối quang tập trung sẽ giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể xây dựng hạ tầng mạng lưới cáp quang theo chuẩn, mang tính quy hoạch dài hạn đồng thời giải quyết được nhiều bất cập đang phổ biến như hiện nay đang gặp phải. Vậy tại sao nhiều nhà cung cấp dịch vụ vẫn gặp phải những hạn chế nêu trên?
Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, ông Nguyễn Tích Đức khẳng định: Hiện hầu hết các nhà đầu tư đều có nhận thức và tầm nhìn về xu hướng phát triển của truyền dẫn quang, tuy nhiên do một số yếu tố hạn chế liên quan đến việc lập kế hoạch đầu tư, triển khai kế hoạch nên đã dẫn đến thực tế là thời gian từ quá trình lập kế hoạch cho tới lúc thực thi quá dài, công tác quản lý dự án chưa thực sự chuyên nghiệp khiến việc lựa chọn giải pháp, sản phẩm hoặc khi đưa vào sử dụng hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng nhiều nhà cung cấp dịch vụ chưa thực sự nhìn nhận rõ bài toán mua sắm thiết bị phải song song với vấn đề chuyển giao công nghệ dựa trên các gói sản phẩm dịch vụ của hãng. Thông thường, dự án đầu tư thường bị coi nhẹ hoặc bỏ qua chi phí vì cho rằng không cần thiết, quá tốn kém… “Đây là điểm hạn chế của Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới”, ông Đức nhấn mạnh đồng thời khẳng định thực tế như vậy sẽ dẫn đến chuyện công tác đầu tư phát triển hạ tầng chậm hơn nhu cầu sử dụng.
Đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo “Thông minh + kết nối” do Cisco tổ chức đầu tháng 7 vừa qua tại Hà Nội cũng cho thấy, không thể đánh giá về bài toán vốn thiếu hay không vì doanh nghiệp nào muốn đầu tư cũng phải cần có vốn và phải có sự liên kết với các tổ chức tài chính ngân hàng để huy động, mà ở đây cần xem xét bài toán chi phí đầu tư mua sắm thiết bị trong một quãng thời gian dài đã hợp lý hay chưa. Nhiều ý kiến khuyến cáo, các nhà cung cấp cần xây dựng hệ thống chất lượng, đảm bảo cung cấp dịch vụ trong khoảng từ 10 - 15 năm...
Từ thực tế đang cung cấp 3 giải pháp phân phối quang tập trung NGF, OMX800 và ODM cho VinaPhone, VTN, VNPT Hà Nội, VNPT TP.HCM…, đại diện ADC Krone nhấn mạnh: Đặt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu và mong muốn của người sử dụng ngày càng cao như hiện nay, việc đầu tư còn tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của các nhà cung cấp dịch vụ, tuy nhiên đã đến lúc các nhà cung cấp dịch vụ cần cân nhắc việc đầu tư hệ thống để đảm bảo chất lượng dịch vụ, được khách hàng lựa chọn gắn bó lâu dài.
Vấn đề quy hoạch mạng cáp quang tại Việt Nam hiện gần như chỉ tập trung cho các hệ thống truyền tải nên dung lượng của hệ thống rất hạn chế, không theo chuẩn kỹ thuật nên chỉ đáp ứng được dung lượng đấu nối rất ít.
Nội dung đã được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 91 ra ngày 1/8/11