Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ trên hệ thống e-Cabinet. |
Lễ khai trương, đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vừa được Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng nay, ngày 24/6/2019.
Việc chính thức đưa vào hoạt động hệ thống e-Cabinet được đánh giá là bước tiến quan trọng hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ sẽ tiên phong trong xây dựng Chính phủ phi giấy tờ và lan tỏa mô hình mẫu hiệu quả đến các Bộ, ngành, địa phương, với quyết tâm xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số trong thời gian sớm nhất.
Tập đoàn Viettel đã được Văn phòng Chính phủ chọn là đơn vị xây dựng hệ thống e-Cabinet và triển khai theo hình thức cho thuê dịch vụ CNTT.
Sau 3 tháng làm việc khẩn trương của Văn phòng Chính phủ, Viettel, Ban Cơ yếu Chính phủ cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, hệ thống e-Cabinet đã được hoàn thành với các chức năng đáp ứng yêu cầu 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Quy trình tạo, trình và phê duyệt phiếu lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ; Quy trình lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các Thành viên Chính phủ; Quy trình chuẩn bị cuộc họp của Chính phủ; Quy trình tổ chức diễn biến cuộc họp Chính phủ; Quy trình ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ.
Cụ thể, thông qua e-Cabinet, Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng. Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ phát hành, các thành viên Chính phủ sẽ nhận được phiếu lấy ý kiến tức thời và dễ dàng phản hồi ý kiến ngay trên các thiết bị di động iPad. Các ý kiến của thành viên Chính phủ sẽ được hệ thống tự động tổng hợp và trả lại kết quả cuối cùng để VPCP thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cũng thông qua e-Cabinet, các cuộc họp của Chính phủ sẽ rút ngắn thời gian hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Sau khi nhận được thông báo lịch họp từ hệ thống, các thành viên Chính phủ có thể xác nhận tham gia hoặc cử người tham gia thay; nghiên cứu trước các tài liệu của phiên họp; cho ý kiến và đăng ký phát biểu trước phiên họp thông qua thiết bị di động iPad.
Trong cuộc họp, các thành viên Chính phủ có thể xem và tra cứu tài liệu, cho ý kiến về các nội dung họp, đăng ký phát biểu và thực hiện biểu quyết có ký số.
Sau khi kết thúc phiên họp, Văn phòng Chính phủ dự thảo Nghị quyết và lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ ngay trên hệ thống, giúp việc thông qua dự thảo được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, rút ngắn thời gian ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ
Theo ước tính, trong năm 2019, việc đưa vào sử dụng e-Cabinet sẽ giảm 30% thời gian họp trung bình của các phiên họp Chính phủ so với các năm trước. Các Thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến, xử lý công việc khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.
Hệ thống giúp giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các cuộc họp, tiết kiệm nhân lực, chi phí in ấn, sao chụp, vận chuyển, phát hành, thu hồi, tiêu hủy văn bản giấy. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).
Đặc biệt, hệ thống e-Cabinet hỗ trợ quản lý đồng bộ, đầy đủ, khoa học, an toàn toàn bộ các thông tin, văn bản, hồ sơ liên quan đến từng phiên họp Chính phủ, từng vấn đề xin ý kiến Thành viên Chính phủ trên môi trường điện tử, thuận lợi trong tra cứu, sử dụng, xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia hệ thống.
Đại diện Viettel khẳng định: “Toàn bộ hệ thống e-Cabinet do Viettel tham gia xây dựng đều được tích hợp giải pháp bảo đảm an toàn thông tin; bảo mật cao; sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu; đảm bảo an toàn hạ tầng mạng; máy chủ; ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web hay ứng dụng trên máy tính bảng”.
Đáng chú ý, ngay sau khi hệ thống e-Cabinet được chính thức khai trương, đưa vào hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ trên hệ thống này. Tại phiên họp, Chính phủ đã cho ý kiến biểu quyết về nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thức điện tử, với 5 thành viên biểu quyết từ xa.
Kết quả, dự thảo Nghị quyết đã được các thành viên Chính phủ thông qua với 25/27 thành viên đồng ý. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng iPad nhấn nút ký ban hành Nghị quyết 44 về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.