Theo thống kê của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong 2 năm 2014 - 2016, tại 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất có 156 vụ liên quan đến vật thể lạ trên đường băng. Việc giám sát, kiểm tra hệ thống đường băng hiện nay được thực hiện thủ công, hiệu quả không cao.
Tháng 7/2016, trong văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam, ACV có nhắc đến dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) của hãng Xsight (một hãng công nghệ chuyên về rađa và cảm biến của Israel).
PV đã có cuộc phỏng vấn với ông Alon Nitzan, Tổng giám đốc của Xsight systems để hiểu rõ hơn về hệ thống đáng giá triệu đô này.
Tổng giám đốc Xsight systems Alon Nitzan
|
Ông có thể cho biết ông đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ này từ bao giờ?
Năm 2000, xảy ra sự cố ở một sân bay Paris, trước khi máy bay cất cánh thì xuất hiện một vật thể trên đường băng làm xịt lốp bánh xe của máy bay, chuyến bay bị hoãn lại, sự việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Từ đó, chúng tôi đã phát triển một công nghệ tối ưu có thể xử lý được vật thể lạ với tên gọi hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect).
Tính năng của công nghệ FODetect đối với vấn đề an toàn bay là gì, thưa ông?
Công nghệ FODetect bao gồm các cảm biến và camera gắn dọc theo hai đường băng liên tục quét hình ảnh. Khi phát hiện có vật thể lạ, hệ thống định vị GPS sẽ đưa ra tín hiệu cảnh bảo gửi về trung tâm để xử lý.
Công nghệ này nhằm phòng chống rủi ro cho những chuyến bay, trước khi máy bay cất cánh sẽ mất khoảng vài giây để phát hiện và di dời vật thể lạ. Thông thường mỗi máy bay sẽ cất cánh cách nhau 70-120 giây, thiết bị dò ra vật thể trong vòng 20-30 giây.
Thiết bị đuổi chim gồm cảm biến và camera kết nối với hệ thống điều hành ở sân bay |
Công nghệ này đã được áp dụng ở những đâu và hiệu quả mà nó mang lại như thế nào?
Công nghệ này đang được dùng cho nhiều sân bay lớn ở Tel Aviv (Israel), Bangkok (Thái Lan), Boston, Seattle (Mỹ). Thống kê 41% vụ tấn công của chim với máy bay xảy ra ở mặt đất. Trong trường hợp thiết bị nhận diện đó là chim thì thiết bị có thể xua đuổi con chim đó đi bằng âm thanh ở hệ thống loa.
Qua đài báo, tôi được biết ở Việt Nam vấn nạn chim trên đường băng xảy ra khá thường xuyên do môi trường và khí hậu, khoảng vài lần/tuần. Nếu chim tấn công hay lọt vào động cơ máy bay thì sẽ gây ra thiệt hại lớn, không chỉ kinh tế mà cả sự an toàn của hành khách. Chỉ 1 sự cố nhỏ có thể gây ra thiệt hại lên đến 1 triệu USD, máy bay sẽ bị trì hoãn không được cất cánh vài tiếng.
Thiết bị này quét 24/24h trên đường băng giảm thiểu mọi rủi ro xảy ra. Bình thường phi công không thể nhìn thấy vật thể lạ, cũng không có ai đi ra đường băng thường xuyên để kiểm tra, chỉ có công nghệ này mới phát hiện được vật thể và thông báo trước khi chuyến bay cất cánh.
Khi đưa công nghệ này sang, phía ông có đưa ra những yêu cầu gì với đối tác Việt Nam?
Chúng tôi sẽ hợp tác với các sân bay cùng với các công ty Việt Nam đặt các thiết bị, đào tạo để sử dụng công nghệ, cũng như bảo hành, bảo trì hệ thống. Từ đó sẽ có những yêu cầu riêng với từng giai đoạn.
Lý do vì sao ông lại chọn Việt Nam làm nơi tiếp theo phát triển công nghệ này?
Thứ nhất vì 2 nước Việt Nam và Isarel có mối quan hệ khá tốt. Thứ 2, tôi thấy được sự tăng trưởng nhanh trong hàng không Việt Nam. Càng có nhiều chuyến bay, càng có nhiều chuyển động trên đường băng thì chúng ta càng có nhu cầu phát hiện vật thể lạ.
Số lượng hành khách, số lượng chuyến bay, máy bay cũng tăng lên, trong năm qua Việt Nam đã mua trên 1 máy bay.Ví dụ Việt Nam đang khai thác máy bay 787 Dreamliner, nếu 1 vài giờ hoãn bay để sửa chữa sẽ gây ra nhiều thiệt hại rất lớn, máy bay hiện đại thì chúng ta sẽ không muốn xảy ra những sự cố.
Ở 2 sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài có 4 đường băng, như thế là không nhiều, nếu gặp sự cố, sự chậm trễ cất cánh trên đường băng sẽ gây ra sẽ quá tải ùn ứ, vì thế phải tăng hiệu suất của đường băng, giảm thiểu rủi ro xảy ra.
Thiết bị đuổi chim được áp dụng thực tế tại các sân bay trên thế giới
|
Quá trình lắp đặt và chuyển giao công nghệ mất bao nhiêu thời gian và chi phí để thực hiện là bao nhiêu?
Đối với mỗi sân bay chúng tôi đều đề nghị lắp trên cả 2 đường băng, với đường băng thứ 1 sẽ mất khoảng dưới 1 năm, đường băng thứ 2 mất khoảng 15 tháng. Chúng tôi sẽ khuyến nghị lắp đặt trên đường băng được sử dụng nhiều nhất để tăng được hiệu suất tối đa.
Về chi phí rất khó để xác định được vì chưa biết được khối lượng công việc thực hiện, với Việt Nam chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ mới nhất, tức là còn hiện đại hơn cả hệ thống các sân bay ở Mỹ.
Vì đây là những thiết bị liên quan đến hàng không, đều đã được thẩm định, người ngoài ngành nghĩ rằng giá sẽ rất cao với con số lớn, nhưng ở đây chúng ta phải cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, thiệt hại gặp phải nếu không có công nghệ này.
Liệu với công nghệ, chi phí cao như vậy ông có nghĩ khả thi với một nước như Việt Nam?
Công nghệ này đã được kiểm chứng tại nhiều sân bay ở các nước. Ở sân bay Việt Nam tần suất xuất hiện vật thể lạ nhiều hơn cả ở những nước khác.
Về vấn đề giá cả, gần đây Việt Nam mua nhiều máy bay có giá trị lớn, ví dụ như máy bay 787 có giá khoảng 250 triệu USD/chiếc Việt Nam mới mua. Khi đã có tài sản lớn như vậy thì chúng ta không hề muốn xảy ra hỏng hóc gì, bởi vì chỉ sửa chữa 1 chi tiết nhỏ thôi cũng rất nhiều tiền.
Một số báo có đưa tin khi đưa công nghệ này sang các sân bay quốc tế thì giá lắp đặt lên đến 5 triệu USD, ông có thể kiểm chứng thông tin được không?
Tôi có thể khẳng định chi phí cao hơn nhiều so với báo chí phản ánh, nhưng vì vấn đề hợp đồng nên tôi không thể tiết lộ chi phí cụ thể.
Giá cả còn liên quan đến thỏa thuận giữa 2 bên, thiết bị này được lắp đặt và hoạt động trong vòng 10 năm bao gồm cả bảo trì, bảo hành, theo dõi hoạt động. Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến giá cả là độ dài của đường băng. Không thể so sánh các sân bay với nhau, còn chưa kể đến điều kiện khí hậu, thời tiết và các điều kiện khác.
Cục Hàng không bàn chuyện mua máy đuổi chim ở sân bay
Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết: các nhà khoa trong nước, họ khẳng định không quá khó để sản xuất hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay, trong đó có máy đuổi chim.
Hơn 1.100 tỷ đồng mua thiết bị đuổi chim ở sân bay?
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất với Bộ GTVT về hệ thống phát hiện tự động vật thể lạ và đuổi chim trời trên đường băng sân bay, với kinh phí hơn 1.160 tỷ đồng.
Trần Thường