Chiều 16/3, thanh tra Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Dương đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với Nguyễn Thị Hồng Thơ, chủ kênh TikTok Thơ Nguyễn về việc đăng tải clip “xin vía học giỏi” gây hiểu lầm trong dư luận.
Không chỉ trên TikTok, Thơ Nguyễn cùng từng gây tranh cãi từ năm 2017 trên YouTube khi có những video thí nghiệm có thể gây nguy hiểm cho khán giả nhỏ tuổi.
Ekip kênh thơ Nguyễn chịu mức phạt 7,5 triệu đồng. Ảnh: Thanh Kiều. |
Thơ Nguyễn đang kiếm tiền cùng ai?
Thơ Nguyễn chỉ mới xuất hiện trên TikTok và có thể chưa có doanh thu từ nền tảng này. Phần lớn thu nhập chịu thuế của Thơ Nguyễn được ghi nhận đến từ YouTube.
Theo Chi cục Thuế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Thơ Nguyễn đã kê khai nộp thuế trong những năm gần đây. Cụ thể năm 2019, Thơ Nguyễn nộp khoảng 1,4 tỉ đồng; năm 2020 nộp hơn 300 triệu đồng; hai tháng đầu 2021 nộp trên 200 triệu đồng.
Phần thuế này chiếm 7% tổng thu nhập theo mức thuế áp dụng cho thu nhập từ YouTube, Google... Như vậy, ước tính trong 3 năm qua, số tiền Thơ Nguyễn thu về trong khoảng 28 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền các nhãn hàng chi để hiển thị quảng cáo trên kênh Thơ Nguyễn trong 3 năm qua không dừng lại ở con số 28 tỷ đồng.
Các nhà sáng tạo nội dung YouTube sống được là nhờ nguồn tiền quảng cáo từ các nhãn hàng. Nguồn tiền này chảy từ YouTube về các Multi Channel Network (mạng đa kênh), sau đó đến tay các YouTuber.
Ekip Thơ Nguyễn ẩn hầu hết clip trên các kênh, ước tính khoảng 1.000 video. |
Mạng đa kênh hay network YouTube là các tổ chức, công ty bên thứ ba làm cầu nối cho người sáng tạo nội dung với YouTube.
Công việc chính của mạng lưới MCN là thay YouTube kiểm duyệt nội dung, hỗ trợ cho chủ kênh các vấn đề liên quan đến bản quyền, kiếm tiền và gia tăng lượt xem. Tỷ lệ ăn chia của mỗi MCN khác nhau, song dao động khoảng 7/3-9-1, chủ kênh 70%-90% và Network 10-30%.
Theo công cụ quản lý của một mạng đa kênh lớn tại Việt Nam, MCN đang quản lý kênh Thơ Nguyễn chính là Hoopla Kidz. Theo website của Hoopla Kidz, MCN này thuộc sở hữu của YoBoHo, được Broadband TV mua lại vào tháng 4/2015. Giá trị thương vụ mua lại cách đây 6 năm là hơn 10 triệu USD.
YoBoHo là công ty có trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ. Công ty giải trí này có hơn 8.000 video tự sản xuất và tạo ra hơn 3 tỷ lượt xem mỗi năm vào thời điểm bán cho BBTV. Nội dung do Hoopla Kidz sản xuất hướng tới lứa tuổi mầm non.
Trên website của Hoopla Kidz, công ty này cam kết nội dung an toàn với trẻ em. Cung cấp cả video trả phí và miễn phí với 9 ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha, Brazil, Pháp, Thái Lan, Ấn, Đức, Italy và Bahasa.
Như vậy, nếu số tiền 28 tỷ đồng Thơ Nguyễn kiếm được từ việc hiện thị quảng cáo chiếm 50-80% theo tỉ lệ ăn chia với MCN, Hoopla Kidz có khả năng thu về từ 14-28 tỷ đồng trong 3 năm, nhưng do đây là network bên ngoài Việt Nam, nên số tiền thuế của Hooppla Kidz không được nộp ở Việt Nam.
YouTuber Thơ Nguyên từng xuất hiện hình ảnh trên các sản phẩm của sữa dành cho trẻ em Kun của Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP). Bên cạnh đó, trong video giải mã hiện tượng Kumanthong uống sữa trước đây, sản phẩm sữa đậu nành VinaSoy cũng xuất hiện cũng Thơ Nguyễn.
Vai trò của nền tảng trong việc ngăn chặn nội dung gây hại
Trong sự việc lần này, các phản ứng từ xin lỗi, gỡ bỏ nội dung, tuyên bố dừng lại từ phía Thơ Nguyễn đều do chủ kênh này thông báo. Thơ Nguyễn đã ẩn các video trên TikTok và trên cả nền tảng YouTube, chỉ để lại video xin lỗi.
Phía TikTok không có bất cứ phát ngôn cụ thể nào về vụ việc.
Trong chính sách sử dụng, TikTok cũng nêu rõ chỉ người trên 13 tuổi mới có thể sử dụng nền tảng này. Có thể thấy, mạng xã hội này không chào đón người dùng dưới tuổi vị thành niên.
Tuy nhiên, nhóm tuổi này vẫn có thể dễ dàng tiếp cận các nội dung trên TikTok mà không cần đăng nhập. Bất cứ ai có liên kết đến video đều tiếp cận được. Cách làm này khác hoàn toàn với cơ chế gắn nhãn độ tuổi của YouTube đang áp dụng. Theo đó, những video có nội dung người lớn trên YouTube buộc người dùng đăng nhập mới có thể xem.
Không riêng ekip Thơ Nguyễn chịu trách nhiệm cho nội dung trên kênh của mình. Ảnh: Thơ Nguyễn. |
Trong khi đó, YouTube dù có gắn nhãn độ tuổi, việc xác định video gây hại cho trẻ em vẫn chủ yếu dựa vào hình thức "report" từ cộng đồng và không phải lúc nào tính năng này cũng hoạt động hiệu quả. Trước khi bị phát hiện và gỡ bỏ, các nội dung này đã kịp tiếp cận đến hàng triệu khán giả, chẳng hạn như trào lưu thử thách làm theo quái vật Mono kinh dị trên YouTube
Do không có cách ngăn chặn hữu hiệu từ nền tảng, các "nhà sáng tạo nội dung" độc hại, tiêu cực hiếm khi bị xử lý cho đến khi cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc. Không ít lần các kênh YouTube Việt Nam đăng tải các clip nội dung "xin lỗi", "clip cuối", "tạm biệt" song thực chất là chiêu trò thu hút lượt xem.
Tháng 11/2019, kênh NTN Vlogs đăng video "Xóa kênh (Delete Channel)" sau clip "thả 100 cái dao trên cao xuống" bị dư luận đánh giá phản cảm.
Tháng 12/2020, Bộ TT&TT điểm tên các kênh YouTube có nội dung nhảm nhí bị Google gỡ bỏ, tắt kiếm tiền gồm ''Hành tinh đồ chơi'', "Hưng Vlog", "Hậu Cáo". Tuy nhiên, đến nay, các kênh này vẫn tiếp tục hoạt động.
(Theo Zing)
Thơ Nguyễn 'thật' dừng làm video, Thơ Nguyễn 'nhái' đã mọc lên như nấm
Một ngày sau tuyên bố dừng làm nội dung và ẩn mọi video liên quan, các kênh Thơ Nguyễn giả đã mọc lên như nấm.