Lấy lại vị thế

Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Ở vị thế sân nhà, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng chủ động và chiếm lĩnh vị thế.

Nổi bật trong những năm gần đây là các thương vụ lớn của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước mua lại các thương hiệu nước ngoài, đồng thời mở rộng thị trường trong nước. Giữ vững hệ thống phân phối từ thành phố tới nông thôn, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp sức cho hàng Việt.

Sau khi bị “trượt tay” trong thương vụ mua lại chuỗi Big C Việt Nam từ Casino Group, Saigon Co.op đã phục thù khi mua được Auchan. Theo đó, Saigon Co.op sẽ nhận chuyển giao 15 cửa hàng đã đóng cửa và 3 cửa hàng đang hoạt động cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nhận chuyển nhượng một nhà bán lẻ ngoại. Đặc biệt, sau thương vụ này, hai nhà bán lẻ cũng sẵn sàng thảo luận để mở ra cơ hội hợp tác khác trong tương lai.

Saigon Co.op là một doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam có thể bao quát trên mọi mặt trận, từ cửa hàng tiện lợi cho đến trung tâm thương mại, nhưng sở dĩ ít người biết điều đó là bởi họ chuyển mình quá chậm chạp. Họ chỉ nhảy vào những lĩnh vực bán lẻ hiện đại như đại siêu thị, trung tâm thương mại hoặc kênh bán hàng online… khi mà các đối thủ của họ đã làm chán chê, nên buộc phải dạt ra khu ngoại ô hoặc các tỉnh lân cận.

Ngoài hệ thống siêu thị tầm trung Co.opmart đình đám, Saigon Co.op còn có hệ thống đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.opFood, cửa hàng tiện lợi 24h Cheers, trung tâm thương mại Sense City và SC Vivo City, cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.opSmile, trang thương mại điện tử Coopmart.vn….

{keywords}
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lấy lại vị thế (Ảnh: Bảo An)

Đang có độ phủ lớn, Masan Group đang sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart và  Vinmart+ với hơn 2.500 điểm bán. Sau thương vụ với Vingroup, hệ thống này tiếp tục mở rộng. Như tuyên bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Masan diễn ra vào tháng 4/2021, tầm nhìn trong 10 năm của Masan là xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ "tất cả trong một" nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Nền tảng này sẽ được ứng dụng công nghệ, tích hợp các điểm bán hiện hữu (offline) và kênh mua sắm trực tuyến (online). Masan gọi nền tảng "tất cả trong một" này là "Point of Life". Ngoài ra, Masan Consumer còn có mối quan hệ mật thiết với hơn 300.000 điểm bán truyền thống phủ sóng từ thành thị đến nông thôn.

Mới đây nhất, Thaco đã hoàn tất ký kết nhượng quyền thương mại độc quyền thương hiệu siêu thị Emart tại Việt Nam với thời gian 9 năm. Tập đoàn của tỉ phú Trần Bá Dương sẽ vận hành Emart với 11 đại siêu thị trên cả nước vào năm 2025.

Ông Trần Bá Dương - chủ tịch Thaco - cho biết mục tiêu của Thaco với mảng bán lẻ là làm sao để trở thành một điểm dừng nhiều tiện ích cho khách tham quan, mua sắm được nhiều thương hiệu xe, bên cạnh đó có đại siêu thị bán các thực phẩm và các mặt hàng khác. 

Khác với trung tâm thương mại chỉ tập trung ở vài thành phố lớn, đại siêu thị Emart mà Thaco hướng đến sẽ tích hợp showroom, đi kèm với đó là khu ẩm thực, trung tâm hội nghị, tiệc cưới...  Dự kiến doanh thu năm 2021 của hệ thống siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020.

Trên thị trường bán lẻ còn phải kể tới các tên tuổi như Vincom Retail của Vingroup đang sở hữu trên 80 trung tâm trên toàn quốc và gần như không có đối thủ trong phân khúc bán lẻ này. Satra đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm 5 siêu thị SatraMart, 4 trung tâm thương mại Centre Mall, duy trì từ 150-250 cửa hàng mang thương hiệu Satra.

Thị trường tiềm năng

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, hiện nay đã thấy rất rõ ràng bức tranh sáng sủa của ngành bán lẻ Việt Nam. Vì vậy, đã đến lúc các DN Việt hãy cùng nhau tự tin vẽ lại bản đồ bán lẻ Việt Nam, cùng nhau hành động, làm chủ vững chắc hệ thống phân phối và sẵn sàng mở cửa rộng thuận tiện để đón hàng Việt vào phục vụ người tiêu dùng.

Quy mô đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025 (gấp 1,6 lần năm 2020), nhờ vào sự tăng trưởng thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tổng mức hơn 5 triệu tỉ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3,9 triệu tỉ đồng (chiếm 79% và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước).

{keywords}
Bán lẻ trong nước ngày càng mở rộng (Ảnh:Bảo An)

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, ở bình diện triển vọng, Việt Nam hiện có chỉ số kinh tế vĩ mô hứa hẹn như tăng trưởng GDP mạnh mẽ, tăng trưởng chi tiêu đi kèm với quá trình đô thị hoá nhanh.

Nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh hấp dẫn, Việt Nam được xem như một điểm đến đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đà tăng trưởng GDP, tốc độ đô thị hoá tại Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Số lượng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đồng thời gia tăng.

Theo nghiên cứu của World Bank, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% tổng dân số và sẽ đạt 26% vào năm 2026. Tăng trưởng này sẽ tạo ra sự thay đổi lạc quan trong tổng chi tiêu tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, việc GDP bình quân đầu người gần chạm mức 3,000 USD cũng đồng thời cho thấy tiềm năng đáng kể cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý khác, các hiệp định thương mại song và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác sẽ hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD.

Nhìn vào tiềm năng thị trường cho thấy, cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn rất lớn, vị thế trên nhà khiến các đại gia ngoại phải dè chừng. 

Lê Na