Ngày 27/9/2023 tại Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp (CIRAD) phổi hợp cùng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp và Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD), dưới sự bảo trợ từ Đại sứ quán Pháp, đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một Sức khỏe - Tích hợp Sức khỏe Thực vật, Đất và Môi trường vào Chiến lược Một Sức khỏe tại Việt Nam”.
Đây là một hoạt động chia sẻ tri thức có giá trị thực tiễn góp phần vào quá trình phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.
Hơn 80 nhà khoa học và chuyên gia từ nhiều tổ chức quốc tế khác nhau như VAAS, Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI), Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI thuộc CGIAR), IRD, CIRAD, Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), và nhiều tổ chức khác đã cùng nhau thảo luận và đưa ra các khuyến nghị.
Thông qua sự kiện này, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi về các kiến thức mới hướng đến phát triển bền vững, bao gồm vai trò của hệ sinh thái con người - động vật - thực vật - môi trường trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe toàn cầu phức tạp như bệnh lây nhiễm từ động vật, hiện tượng kháng kháng sinh ở con người và vật nuôi, cũng như sự xói mòn hệ sinh thái.
Các chuyên gia, nhà khoa học có chung quan điểm, sức khỏe thực vật rất quan trọng đối với an ninh lương thực, sự lây lan của các vi sinh vật ngoại lai và sâu bệnh do biến đổi khí hậu làm gián đoạn mùa màng, có khả năng dẫn đến nạn đói ở một số quốc gia.
Một số kỹ thuật nông nghiệp được sử dụng để bảo quản chất lượng thực phẩm có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với người tiêu dùng. Các giải pháp thay thế như kiểm soát sinh học bằng phương pháp tự nhiên, hiện đã và đang được áp dụng cần được thúc đẩy và đầu tư nhiều hơn.
Chất lượng đất rất quan trọng đối với sản xuất cây trồng và các hoạt động của con người, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà các hệ sinh thái trên cạn.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố làm tổn hại đến chức năng của đất, bao gồm đô thị hóa, ô nhiễm mãn tính, xói mòn, xói mòn đa dạng sinh học, mất chất hữu cơ và nhiễm mặn,….
Quản lý đất bền vững đòi hỏi sự hiểu biết tốt hơn về đất, tận dụng tiềm năng sinh học, cải thiện phương pháp canh tác, nghiên cứu về tương tác đất-thực vật-vi sinh vật, cấu trúc quản lý đất theo lãnh thổ và điều chỉnh biện pháp quản lý.
Chất lượng đất và thực vật là thành phần thiết yếu của hệ sinh thái, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đa dạng sinh học, điều hòa chu trình nước và hệ sinh thái, có tác động đến sức khỏe con người cả trực tiếp và gián tiếp.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn động vật hoang dã qua việc quản lý các quần thể động vật và giảm thiểu các hoạt động làm cạn kiệt hoặc tiêu diệt môi trường sống đang được quan tâm nhiều hơn. Bảo tồn động vật hoang dã là một nguyên tắc cần tuân thủ chặt chẽ trong sử dụng, phân bổ và bảo vệ tài nguyên. Việc khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học mang lại nhiều lợi ích trong việc tăng cường sức khỏe con người và giảm thiểu sự lây truyền các bệnh truyền nhiễm.
Tại sự kiện, đại diện từ các tổ chức và dự án cũng giới thiệu các chiến lược và kết quả nghiên cứu, đánh giá tổng quan về các sáng kiến mới như PREZODE (Phòng ngừa dịch bệnh mới nổi từ động vật) và việc ra mắt Viện Một sức khỏe (French One Health Institute) của Pháp trong năm nay.
Các đại biểu đề cao tầm quan trọng của các nền tảng nghiên cứu kết nối hợp tác đa ngành như nền tảng Liên kết Thị trường và Nông nghiệp cho các Thành phố ở châu Á (MALICA), nền tảng Sinh thái nông nghiệp ở Đông Nam Á (ASEA), và nền tảng Quản lý rủi ro dịch bệnh mới nổi ở khu vực Đông Nam Á (GREASE) tại Việt Nam.