Tham vọng trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, bao gồm công nghệ 5G, công nghệ Blockchain cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, hay lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang ngày càng cấp thiết hơn.
Nhất là khi nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm lại, kèm theo việc Bắc Kinh bị kéo vào cuộc chiến thuế quan dài đằng đẵng với Washington. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến nhiều chuyên gia nói về việc ‘chia tách’ giữa hai nước, cụ thể đề cập tới sự thiếu kết nối đang ngày càng tăng lên giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Suy giảm kinh tế khiến tham vọng công nghệ TQ bùng lên |
“Quá trình Trung Quốc tiến tới việc tự cung tự cấp đã được đẩy mạnh trong năm ngoái, khi đây là kết quả của sự chia tách giữa Mỹ-Trung”, ông Ben Harburg thuộc công ty đầu tư quốc tế MSA Capital phát biểu trong hội nghị Công nghệ Đông-Tây do CNBC tổ chức tại Quảng Châu.
Những chủ đề được các chuyên gia bàn thảo tại hội nghị trên đều là về việc Trung Quốc hỗ trợ cho công nghệ Blockchain, công nghệ tài chính và 5G. Những tham vọng công nghệ này là mục tiêu để Bắc Kinh trở thành nhà lãnh đạo thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030, cũng như đẩy nhanh quá trình thiết lập đồng tiền ảo của riêng Trung Quốc.
Công nghệ 5G
Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào vấn đề phát triển dịch vụ di động thế hệ mới 5G, với tập đoàn Huawei là chủ đạo.
Huawei, nhà phát triển quan trọng của công nghệ 5G đã bị đưa vào danh sách đen của Washington hồi tháng 5/2019. Mỹ cáo buộc những thiết bị Huawei chế tạo sẽ giúp nước khác do thám nước Mỹ, tuy nhiên Huawei luôn phủ nhận những cáo buộc này.
“Những sản phẩm của chúng tôi có thể được xây dựng nên mà không cần tới sự phụ thuộc vào các thành phần và chip điện tử từ Mỹ”, Chủ tịch Huawei Liang Hua trả lời phỏng vấn CNBC tại hội nghị.
Tham vọng TQ trở thành thị trường 5G lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc đang hướng tới việc trở thành thị trường 5G lớn nhất trên thế giới. Đầu tháng này, Trung Quốc đã khởi động hệ thống 5G, ngoài ra nước này đang tính tiến hành nghiên cứu công nghệ mạng 6G, mặc dù mạng 5G mới được đưa vào sử dụng. Hiện dịch vụ 5G đang phổ biến tại 50 thành phố ở Trung Quốc, trong khi ở Mỹ chỉ có một vài thành phố nhất định.
Công nghệ Blockchain
Công nghệ giống tiền ảo Bitcoin, được sử dụng bởi rất nhiều ngành công nghiệp từ tài chính tới thực phẩm. Blockchain có tiềm năng thay đổi căn bản cách thức nhiều doanh nghiệp tiến hành kinh doanh. "Bởi vậy có rất nhiều ngành dịch vụ tài chính thật sự có thể được nâng cấp đáng kể nhờ nền tảng của Blockchain”, nhà quản lý Lucy Gazmararian thuộc PwC Hong Kong đưa ra nhận định.
Bà Edith Yeung, cộng tác viên quỹ Proof of Capital cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu về khả năng khởi động đồng tiền điện tử riêng của nước này trong những năm gần đây. Đồng Nhân dân tệ ảo “sẽ sớm trở thành hiện thực”, và điều này sẽ trở thành thách thức cho sự bá chủ toàn cầu của đồng USD.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Từ lái xe tự động cho tới phát hiện ra ung thư, công nghệ AI hứa hẹn sẽ nâng cao và gia tốc mọi ngành kinh doanh trên toàn cầu. Giới lãnh đạo Bắc Kinh hồi năm 2017 đã tuyên bố rằng, Trung Quốc muốn trở thành người đứng đầu thế giới về AI trong năm 2030.
“Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về AI. Tôi đã thấy sự thay đổi trong 5 năm qua ở Trung Quốc… Đây gần như là chính sách làm ăn với người nước ngoài hiện nay, và điều này thật tuyệt vời”, giám đốc công ty công nghệ sức khỏe TPP Frank Hester nói.
Theo số liệu được Giám đốc tập đoàn IBM Alain Benichou tuyên bố, có tới 14% công ty tại Trung Quốc làm ăn liên quan tới công nghệ AI. Ông này nhận định, tỉ lệ này tại Trung Quốc cao hơn mức trung bình toàn cầu, nhưng vẫn sẽ còn tăng tiếp.
Tuấn Trần