|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Thống đốc bang Karnataka bày tỏ tin tưởng Việt Nam và bang Karnataka sẽ có những hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực CNTT. - Ảnh: Chinhphu.vn. |
Cơ hội từ sự phát triển không đồng đều
Trao đổi với phóng viên BĐVN về mối quan hệ giữa ngành phần mềm 2 nước Việt Nam - Ấn Độ, ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) khẳng định, Ấn Độ chính là niềm cảm hứng cho Việt Nam trong hoạt động phát triển phần mềm. Năm 2008, khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ấn Độ, doanh thu của ngành phần mềm Ấn Độ đã đạt mức 30 tỷ USD, vượt trội so với xuất phát điểm 1 - 2 tỷ USD những năm 90. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhìn ra rằng phần mềm và con người mới thực sự là nguồn lực quý báu của quốc gia chứ không phải là tài nguyên thiên nhiên. Sau chuyến thăm này, Thủ tướng lập tức chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành phần mềm nói riêng, lĩnh vực CNTT nói chung, đồng thời đưa ra mục tiêu phấn đấu Việt Nam sẽ có 1 triệu nhân lực làm CNTT-TT.
Với niềm cảm hứng từ Ấn Độ, Việt Nam có thêm động lực để phát triển ngành phần mềm, hiện đã bắt đầu tạo dựng được tên tuổi của mình trên trường quốc tế. Song nếu so với cường quốc phần mềm như Ấn Độ thì Việt Nam vẫn đang là “anh chàng tí hon”. Trong khi doanh thu của ngành phần mềm Ấn Độ năm 2011 đã đạt tới 60 tỷ USD thì Việt Nam mới khiêm tốn dừng ở mức 2,3 tỷ USD.
Việc hợp tác giữa DN 2 nước suốt thời gian dài qua chưa thể trở thành hiện thực vì Ấn Độ cũng chỉ dừng ở mức gia công phần mềm như Việt Nam. Trên một số thị trường như Mỹ, Châu Âu, thậm chí DN phần mềm 2 nước còn trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau. Trên thực tế, đã có DN Việt Nam là FPT sang Ấn Độ “đóng đô” nhưng chưa thành công bởi hầu như chưa thể nhập cuộc với DN phần mềm Ấn Độ.
“Có thể hình dung Việt Nam - Ấn Độ giống như 2 vận động viên cùng chạy trên 2 con đường song song, chủ yếu chỉ là Ấn Độ truyền cảm hứng chứ không đẩy Việt Nam chạy nhanh hơn”, ông Công ví von.
Tuy nhiên, tình thế nay đã khác. Ông Công phân tích: “Ngành phần mềm Ấn Độ bây giờ không còn đi gia công, làm theo đơn đặt hàng của nước ngoài mà đã tiến một bước xa hơn là nghiên cứu, phát triển và tự tạo ra các giải pháp, sản phẩm riêng của mình rồi đem giải pháp đó chào bán cho thị trường quốc tế, tức là đã chuyển sang đẳng cấp mới. Với sự phát triển nóng, Ấn Độ cũng bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu nhân lực và chi phí nhân lực đội lên rất cao. Để giảm bớt chi phí hoạt động, các DN phần mềm Ấn Độ có thể tìm kiếm những DN Việt Nam phù hợp để làm đối tác cho một số công đoạn trong chuỗi giá trị của ngành phần mềm như phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ,.. vì chi phí lao động của Việt Nam bây giờ thấp hơn Ấn Độ rất nhiều. Quan hệ đối tác sẽ đem lại lợi ích cho cả đôi bên: DN Ấn Độ giảm bớt chi phí sản xuất kinh doanh, còn phía Việt Nam có thể tham gia thêm một phân khúc thị trường của ngành phần mềm thế giới”.
Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ về gia công phần mềm đã được nảy sinh từ sự phát triển không đồng đều, khi khoảng cách về chi phí sản xuất kinh doanh phần mềm giữa 2 nước đã giãn ra và Việt Nam đang giữ ưu thế về giá nhân công.
Mới dừng ở lý thuyết kinh tế
“Phía Ấn Độ cũng nhận thấy dưới góc độ kinh tế, về lý thuyết thì DN phần mềm Việt Nam - Ấn Độ hoàn toàn có thể trở thành đối tác để cùng nhau “tiến quân” vào thị trường phần mềm nước ngoài nhưng cả 2 bên đều chưa có kinh nghiệm hợp tác thành công nên vẫn đang “thăm dò” nhau. Cần tiếp tục chờ thêm một vài năm tới, khi sự bức xúc của DN Ấn Độ trong việc cần một đối tác như DN Việt Nam cao hơn và nhu cầu tìm đối tác như Ấn Độ của Việt Nam cũng cao hơn thì mới có thể biến cơ hội hợp tác thành hiện thực”, ông Công cho biết thêm.
Theo khảo sát của phóng viên BĐVN, đến thời điểm này, các DN phần mềm có tên tuổi như FPT, CMC, Viettel… đều chưa có động tĩnh gì trong việc triển khai hợp tác với DN phần mềm Ấn Độ.
Để tiến vào thị trường phần mềm quốc tế, DN Việt Nam đang có 2 lựa chọn: một là tự đi, hai là hợp tác với một bên khác (chẳng hạn như Ấn Độ). Và có vẻ như các “đại gia” phần mềm Việt vẫn đang tâm đắc hơn với hướng “tự đi bằng đôi chân của chính mình”.
Dẫu sao, hợp tác gia công phần mềm với Ấn Độ vẫn đang là một cơ hội mở ra cho những DN phần mềm Việt Nam đang ở trạng thái “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, chưa thể tự mình bơi ra biển lớn để chinh phục thị trường quốc tế.
“Các DN có nhu cầu tìm hiểu thông tin thị trường và tìm kiếm đối tác hợp tác gia công phần mềm sẽ được VINASA và Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm Ấn Độ (NASSCOM) nhiệt tình hỗ trợ”, ông Công khẳng định.
“Sẽ hợp tác trong tương lai gần”
Phóng viên BĐVN đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Nguyễn Ích Vinh - TGĐ Công ty Xuất khẩu phần mềm Tinh Vân (Tinhvan Outsourcing) về việc hợp tác gia công phần mềm với Ấn Độ.
Tinh Vân hiện đã có kế hoạch “Ấn tiến” chưa, thưa ông?
Chúng tôi luôn giữ định hướng về một kế hoạch hợp tác với các công ty Ấn Độ trong tương lai gần, tuy nhiên thời điểm có vẻ như chưa đủ chín muồi. Lý do chủ yếu là Việt Nam và Ấn Độ đều là nhưng nơi nhận việc gia công phần mềm cho những thị trường như Mỹ, Nhật, Châu Âu, Singapore… Ấn Độ có nhiều ưu điểm hơn Việt Nam như ngoại ngữ, trình độ nhân sự, quy trình chuyên nghiệp… Nhưng Việt Nam lại nắm lợi thế là giá cạnh tranh. Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội có thể outsource chính các dự án của mình sang Ấn Độ để tận dụng được những điểm mạnh từ đất nước này.
Tinh Vân nhận định thế nào về tiềm năng của việc hợp tác gia công phần mềm giữa DN Việt Nam với Ấn Độ?
Trong vòng 1 năm tới, tiềm năng này sẽ rất lớn, cụ thể ở 2 mảng mà chúng tôi nhìn thấy là: các công ty Ấn Độ thực hiện những nghiệp vụ tư vấn cho DN phần mềm Việt Nam; các công ty Việt Nam trở thành khách hàng của chính các công ty Ấn Độ trong lĩnh vực gia công.
Để có thể hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực phần mềm, DN Việt Nam phải khắc phục những nhược điểm gì?
Theo tôi, đó là những nhược điểm về ngoại ngữ, khả năng làm việc trong thị trường toàn cầu, trình độ kỹ sư, năng lực quản trị những dự án lớn (quy mô từ 10 triệu USD trở lên) và chưa biết cách vượt qua rào cản khác biệt về văn hóa Việt Nam - Ấn Độ.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 55 ra ngày 7/5/2012.