Là người đứng đầu của một tập đoàn lớn và từng là ông chủ của một ngân hàng, bầu Thắng được coi là một trong những “đại gia” giàu nhất Việt Nam.
Bầu Đức liên tiếp gặp vận đen, từ kinh doanh bết bát đến dính lùm xùm kiện cáo
Bị khởi kiện, Bầu Đức đã quá mệt mỏi vẫn phải hầu tòa
"Bầu" Thắng và người nhà nắm hơn nửa số vốn tại Đồng Tâm
Tính đến thời điểm ngày 31/12/2017, 3 cổ đông lớn nắm trên 5% vốn cổ phần Công ty CP Đồng Tâm (Đồng Tâm) là Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm – ông Võ Quốc Thắng và những người nhà liên quan đến ông.
Tại Đồng Tâm, quyền lực của bầu Thắng gần như là tuyệt đối. Cụ thể, ông Võ Quốc Thắng nắm gần 47,4% cổ phần Đồng Tâm, tương đương sở hữu hơn 32,2 triệu cổ phần; các cổ đông còn lại liên quan đến ông là anh ruột ông Thắng – ông Võ Văn Khuyến, sở hữu hơn 9,8 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 14,5%; ngoài ra, vợ ông Thắng là bà Nguyễn Thị Thu Hồng cũng nắm gần 4,9 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ gần 7,2%.
Tính ra, số lượng cổ phần của 3 cổ đông này đạt hơn 68 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 69,10%.
Tỷ lệ này không có sự thay đổi so với các con số đã được công bố công khai trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2017 của doanh nghiệp.
Tại báo cáo này, ngoài các cổ đông trên, hai cổ đông khác liên quan đến ông Thắng là ông Võ Văn Nhiệp – anh ruột ông Thắng, nắm 369.980 cổ phần, tương đương tỷ lệ 0,54%; bà Võ Thị The – chị ruột ông Thắng, nắm 11.375 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 0,02%.
Đồng Tâm hiện vốn điều lệ là 680 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận qua các năm: năm 2014 là 248,6 tỷ đồng, năm 2015 là 172,5 tỷ đồng, năm 2016 là 159,9 tỷ đồng. Trong năm tài chính 2017, Đồng Tâm đạt doanh thu thuần 1.774 tỷ đồng và LNST 233 tỷ đồng. So với chỉ tiêu đề ra, doanh thu thuần đã hoàn thành 95,9% và vượt chỉ tiêu đề ra 15,6%. Dù vượt chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng chỉ tiêu kinh doanh doanh thu và LNST của Đồng Tâm đang ở mức thấp nhất trong 3 năm tài chính trở lại đây.
"Kém duyên" với ngân hàng
Từ năm 2008, ông Thắng đã tham gia vào lĩnh vực tài chính với vai trò cổ đông sáng lập Công ty Chứng khoán Viễn Đông (VDSE), với vốn góp là 2,7 tỷ đồng (tương đương 2% vốn điều lệ).
Tháng 4/2013, bầu Thắng bất ngờ được Đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank- KLB) bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Trần Phát Minh. Thời gian còn ở KienLongBank dù có ngồi ghế chủ tịch HĐQT nhưng ông không nắm một cổ phần nào của ngân hàng này. Nhưng nói thế không có nghĩa là vị trí tư lệnh tối cao tại KienLongBank của vị doanh nhân này là “hữu danh vô thực”, bởi, dù ông Thắng không sở hữu cổ phần nào, song con trai ông là ông Võ Quốc Lợi đang nắm tỷ lệ sở hữu 4, 74% tại nhà băng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng này.
Có một điểm đáng lưu ý là thành viên HĐQT KLB ông Phạm Trần Duy Huyền, hiện đang nắm 14,2 triệu cổ phần KLB (4,78%). Ông Huyền được liệt kê là người có liên quan với ông Võ Thành Phan – anh trai của ông Võ Quốc Thắng.
Như vậy, ông Thắng và người có liên quan đang nắm 28,25 triệu cổ phiếu tại KienLongBank, đồng nghĩa với việc giữ 9,6% quyền chi phối tại nhà băng này.
Cơ cấu sở hữu tại ngân hàng Kiên Long |
Cũng chung cảnh ngộ như Tập đoàn Đồng Tâm, tình hình kinh doanh của KienLongBank đi xuống đáng kể trong thời gian qua.
Có thể thấy, từ ngày bầu Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 25/4/2013 đến nay lợi nhuận ngày càng "teo tóp". Với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả kinh doanh thì ngày càng giảm: năm 2013 là 313 tỷ đồng, năm 2014 là 176 tỷ đồng, năm 2015 là 165 tỷ đồng, năm 2016 là 121 tỷ đồng, năm 2017 là 252 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của ngân hàng này vẫn được đánh giá là thấp dưới thị giá, thanh khoản kém. Từ đó tới nay, đã qua nhiều năm, khi các ngân hàng khác lần lượt tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, 10.000 tỷ đồng và thậm chí thế thì KienLongBank vẫn là một trong số ít các ngân hàng tăng vốn èo ọt: Từ 3.000 tỷ đồng lên đến 3.236 tỷ đồng. Mặt khác, KienLongBank còn đang khá chậm trễ trong hoạt động so với các ngân hàng khác, nhất là trong thời điểm ngành ngân hàng đang thăng hoa.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 quy định, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được làm thành viên HĐQT ở các doanh nghiệp khác. Theo quy định này, ông Võ Quốc Thắng phải chọn một trong hai vị trí Chủ tịch HĐQT KienLongBank hoặc Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group. Vào hồi tháng 4, ông Thắng về quyết định rời khỏi KienLongBank và dành tâm huyết cho Đồng Tâm. Nếu được ví von thì Đồng Tâm là “con đẻ” đối với ông Võ Quốc Thắng, còn KienLongBank quá lắm cũng chỉ được là một đứa “con nuôi”, chí ít là theo cách mà ông đối xử với 2 đội bóng: Đồng Tâm Long An và KienLongBank Kiên Giang. Vậy nên, bầu Thắng chọn ở lại Đồng Tâm, chia tay KienLongBank cũng không có gì là quá bất ngờ.
(Theo An ninh Tiền tệ và Truyền thông)